Thông tư 38/2011/TT-BGTVT hướng dẫn Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Việt Nam - Lào do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 38/2011/TT-BGTVT
Ngày ban hành 18/05/2011
Ngày có hiệu lực 02/07/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Hồ Nghĩa Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 38/2011/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2011

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA HIỆP ĐỊNH VÀ NGHỊ ĐỊNH THƯ THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ QUA LẠI BIÊN GIỚI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

Căn cứ Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 23 tháng 4 năm 2009 (sau đây gọi tắt là “Hiệp định”);
Căn cứ Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 15 tháng 9 năm 2010 (sau đây gọi tắt là “Nghị định thư”);
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định và Nghị định thư như sau:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Hiệp định và Nghị định thư về tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ (sau đây gọi là “phương tiện”) hoạt động qua lại biên giới giữa Việt Nam và Lào.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của phương tiện thương mại và phi thương mại được cấp giấy phép liên vận qua lại biên giới giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Điều 3. Quy định đối với phương tiện

1. Phương tiện được cấp giấy phép liên vận qua lại biên giới giữa Việt Nam và Lào là xe ôtô, ôtô đầu kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo ôtô và xe máy chuyên dùng lưu thông trên đường bộ có giấy đăng ký phương tiện và biển số do cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp.

2. Phương tiện thương mại là phương tiện thuộc quyền sử dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vận chuyển hàng hóa và hành khách có thu tiền hoặc phương tiện chuyên chở người hoặc hàng hóa phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, cụ thể bao gồm:

a) Phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định;

b) Phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch;

c) Phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa;

d) Phương tiện thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã vận chuyển phục vụ các công trình, dự án hoặc hoạt động kinh doanh của đơn vị mình trên lãnh thổ Lào.

3. Phương tiện phi thương mại là phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động qua lại biên giới hai nước không vì mục đích kinh doanh, cụ thể gồm:

a) Phương tiện của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước và quốc tế đi công tác, tham quan, du lịch;

b) Phương tiện của các cá nhân đi việc riêng (chỉ áp dụng đối với xe ôtô chở người dưới 09 (chín) chỗ và xe bán tải (pick-up);

c) Xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe cứu hộ, xe thực hiện sứ mệnh nhân đạo.

4. Mỗi chuyến đi, phương tiện được lưu lại ở Bên ký kết kia 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp quá thời hạn quy định, mà có lý do hợp lý sẽ được gia hạn một lần với thời gian tối đa không quá 10 (mười) ngày.

5. Mỗi phương tiện khi hoạt động qua lại biên giới phải gắn biển ký hiệu phân biệt quốc gia lên kính xe phía trước góc trên phía tay phải của người lái xe. Biển ký hiệu phân biệt quốc gia của Việt Nam quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.

Điều 4. Quy định về giấy tờ của phương tiện

1. Khi lưu hành, phương tiện phải có các giấy tờ còn hiệu lực sau đây cùng bản dịch tiếng Lào hoặc tiếng Anh có chứng thực nếu trường hợp giấy tờ đó không in song ngữ Việt - Lào hoặc Việt - Anh để xuất trình cho các cơ quan hữu quan khi được yêu cầu:

a) Giấy đăng ký phương tiện;

b) Sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

c) Giấy phép liên vận;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

[...]