Thông tư 37/2020/TT-BCT quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 37/2020/TT-BCT
Ngày ban hành 30/11/2020
Ngày có hiệu lực 14/01/2021
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2020/TT-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH DANH MỤC HÀNG HÓA NGUY HIỂM PHẢI ĐÓNG GÓI TRONG QUÁ TRÌNH VẬN CHUYỂN VÀ VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA NGUY HIỂM BẰNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT VÀ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển; yêu cầu về đóng gói, phương tiện chứa đối với hàng hóa nguy hiểm; phương án ứng cứu khẩn cấp và tập huấn người tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương quy định tại Điều 24 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và các tổ chức cá nhân có liên quan đến vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Đóng gói hàng hóa nguy hiểm” là việc sử dụng các thao tác kỹ thuật để chứa đựng hàng hóa nguy hiểm trong các phương tiện chứa phù hợp tiêu chuẩn đã đăng ký, công bố.

2. “Phương tiện chứa” là các loại bao gói, chai, thùng, bồn, bể hoặc côngtenơ (container) dùng để chứa và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Phương tiện chứa hàng hóa nguy hiểm gồm các loại:

a) “Bao gói cỡ nhỏ” (ký hiệu là P) là phương tiện chứa có dung tích chứa nước đến 450 lít hoặc có khối lượng chứa đến 400 kg.

b) “Bao gói cỡ lớn” (ký hiệu là LP) là phương tiện chứa có dung tích chứa nước lớn hơn 450 lít hoặc có khối lượng chứa lớn hơn 400 kg nhưng có thể tích chứa nhỏ hơn 3 m3.

c) “Thùng chứa hàng rời cỡ trung” (ký hiệu là IBC), bao gồm:

- Thùng kim loại có thể tích chứa tối đa đến 3 m3 đối với hàng hóa dạng lỏng, rắn.

- Thùng bằng gỗ, chất dẻo, giấy có thể tích chứa tối đa đến 1,5 m3 đối với hàng hóa dạng rắn.

d) “Bao gói trong” (còn gọi là bao gói trực tiếp) là phương tiện chứa tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, thực hiện đầy đủ chức năng chứa đựng hàng hóa mà không cần có thêm bất kỳ bao gói khác.

đ) “Bao gói ngoài” là phương tiện chứa bao gói trong, cùng với các vật liệu hấp thụ, chèn đệm nhằm tạo ra sự bảo vệ bao gói trong trong khi vận chuyển.

e) “Bao gói kết hợp” là phương tiện chứa gồm một hoặc nhiều bao gói trong, gắn, xếp cố định trong bao gói ngoài.

g) “Bồn, bể chuyên dụng” là phương tiện chứa (hệ thống bồn/bể chứa) lắp trên phương tiện vận chuyển, gồm:

- Phương tiện chứa có dung tích lớn hơn 1m3 hoặc kiểu côngtenơ bồn (tank-container) có dung tích lớn hơn 3m3 chứa hàng hóa nguy hiểm loại 3 có nhiệt độ chớp cháy không quá 60°C (kiểu FL, chi tiết xem Phụ lục III).

- Phương tiện chứa có dung tích lớn hơn 1m3 hoặc côngtenơ bồn (tank- container) có dung tích lớn hơn 3m3 chứa hàng hóa nguy hiểm khác với kiểu FL (kiểu AT, chi tiết xem Phụ lục III).

[...]