Thông tư 34/2015/TT-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Thái và M'Nông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 34/2015/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 30/12/2015
Ngày có hiệu lực 15/02/2016
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Thị Nghĩa
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2015/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2015

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN DẠY TIẾNG THÁI VÀ M’NÔNG

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b, khoản 13 Điều 13 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên;

Theo biên bản họp thẩm định ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Hội đồng thẩm định Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Thái và M’Nông;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Thái và M’Nông.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này các Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, bao gồm:

1. Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Thái.

2. Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng M’Nông.

Điều 2. Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Thái và M’Nông ban hành kèm theo Thông tư này là cơ sở để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Thái và M’Nông và triển khai các hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học của giảng viên, học viên theo chương trình.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2016.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Hiệu trưởng các trường cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm, Giám đốc các đại học có trường đại học sư phạm, hiệu trưởng các trường đại học có khoa sư phạm chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGD TNTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- Uỷ ban dân tộc;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Cục NG&CBQLCSGD, Vụ PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa

 

CHƯƠNG TRÌNH

BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN DẠY TIẾNG THÁI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 34/2015/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Củng cố và phát triển những hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa và năng lực dạy học tiếng Thái cho đội ngũ giáo viên dạy học tiếng Thái trong các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông) và trung tâm giáo dục thường xuyên.

2. Mục tiêu cụ thể

Sau khi hoàn thành Chương trình bồi dưỡng, học viên đạt được các mục tiêu cụ thể như sau:

- Nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số nói chung, tiếng Thái nói riêng, từ đó hiểu đúng vai trò, tầm quan trọng của việc dạy tiếng dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Thái;

- Nắm vững những đặc điểm cơ bản của ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Thái trong so sánh với ngôn ngữ tiếng Việt; Những đặc điểm đặc trưng, cơ bản của văn hóa, văn học dân tộc Thái;

- Nắm vững lí luận và phương pháp dạy học tiếng Thái, các hình thức tổ chức, quản lí dạy học, các phương pháp cơ bản về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập;

- Nâng cao các năng lực cơ bản trong dạy học tiếng Thái: Năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường dạy học; Năng lực xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học trên cơ sở phát huy được những hiểu biết đã có của người học về ngôn ngữ và văn hóa Thái; Năng lực sử dụng sáng tạo các phương tiện dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học; Kĩ năng kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học; Năng lực giao tiếp, ứng xử; Năng lực tổ chức, quản lí, quan sát, nhận xét giờ học; Năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học phù hợp với đặc thù môn học; Năng lực tự học, tự bồi dưỡng, tích lũy kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa và phương pháp dạy học tiếng Thái;

- Nâng cao ý thức giáo dục học sinh, cộng đồng bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết và văn hóa Thái, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

[...]