Thông tư 32-TCCB-1982 về việc xây dựng và kiện toàn các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng do Bộ Lâm nghiệp ban hành
Số hiệu | 32-TCCB |
Ngày ban hành | 09/09/1982 |
Ngày có hiệu lực | 24/09/1982 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Lâm nghiệp |
Người ký | Phan Xuân Đợt |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường |
BỘ LÂM NGHIỆP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32-TCCB |
Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 1982 |
Trong những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Thi hành các văn bản của Nhà nước, công tác quản lý bảo vệ rừng trong những năm gần đây đã có những chuyển biến, tiến bộ bước đầu. Song nhìn chung, rừng và đất lâm nghiệp vẫn chưa được quản lý, bảo vệ tốt. Nhiều nơi tình trạng phá hại rừng vẫn rất nghiêm trọng. Diện tích rừng đang tiếp tục bị thu hẹp nhanh chóng. Tài nguyên rừng bị giảm sút nhiều. Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng đó là công tác quản lý bảo vệ rừng chưa thể hiện được phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, lực lượng quần chúng bảo vệ rừng chưa được xây dựng rộng khắp, kiểm lâm nhân dân là lực lượng chuyên trách và nòng cốt trong việc quản lý, bảo vệ rừng, nhưng chưa được củng cố và kiện toàn về mọi mặt. Trong mấy năm gần đây, các cơ sở kinh doanh lâm nghiệp lại không có lực lượng chuyên trách làm công tác quản lý bảo vệ rừng; một số nơi tuy có đưa kiểm lâm nhân dân vào hoạt động tại lâm trường nhưng do tổ chức và lề lối làm việc chưa hợp lý nên hoạt động hiệu quả thấp.
Bộ ra thông tư này hướng dẫn việc kiện toàn các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nhằm khắc phụ những tồn tại thiếu sót trên, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả hơn.
I. PHÂN LOẠI ĐỐI TƯỢNG RỪNG VÀ PHÂN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG
1. Rừng kinh tế.
a) Rừng kinh tế tập trung: Rừng này đã giao cho các tổ chức quốc doanh lâm nghiệp (như liên hiệp xí nghiệp lâm công nghiệp, lâm trường quốc doanh trực thuộc trung ương hoặc trực thuộc Sở, Ty lâm nghiệp địa phương). Trên cơ sở quy hoạch, thiết kế kinh doanh, Giám đốc các tổ chức quốc doanh lâm nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trong phạm vi ranh giới được giao. Để giúp giám đốc thực hiện việc này, mỗi liên hiệp lâm công nghiệp, lâm trường (kể cả lâm trường trung ương và địa phương ) được thành lập phòng quản lý, bảo vệ rừng ở cơ quan liên hiệp hoặc lâm trường. Trong phạm vi đất đai được giao, liên hiệp lâm trường chia thành các phân trường, tiểu khu rừng để phù hợp với quản lý bảo vệ rừng và kinh doanh rừng. Mỗi phân trường có diện tích khoảng 1000 héc ta, mỗi tiểu khu kinh doanh đặc sản rừng trồng có thể nhỏ hơn.
Biên chế, kinh phí, phương tiện hoạt động của cán bộ quản lý, bảo vệ rừng nằm trong tổng biên chế, kinh phí và trang bị phương tiện của lực lượng kiểm lâm nhân dân do Bộ Lâm nghiệp phân bổ, giám đốc các liên hiệp, lâm trường trung ương thủ trưởng các Sở, Ty lâm nghiệp tổ chức thực hiện.
b) Rừng kinh tế ở các hợp tác xã lâm nông nghiệp là những diện tích rừng và đất rừng đã được Nhà nước giao cho hợp tác xã kinh doanh theo quy hoạch, kế hoạch và luật pháp của Nhà nước. Trên cơ sở rừng được giao, ban quản trị hợp tác xã chịu trách nhiệm bảo vệ rừng và trồng rừng trên đất lâm nghiệp trong phạm vi ranh giới được giao. Để giúp ban quản trị thực hiện việc này, mỗi hợp tác xã cần tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của ban lâm nghiệp xã và hạt kiểm lâm nhân dân cấp huyện sở tại về tổ chức nghiệp vụ.
c) Nhà nước giao rừng cho các nông trường , đơn vị, quân đội, công an nhân dân vũ trang, trường học... để quản lý kinh doanh, các đơn vị này cũng phải cử người ra để bảo vệ rừng Nhà nước giao dưới sự chỉ đạo của hạt kiểm lâm nhân dân sở tại.
2. Rừng cấm.
Tất cả các khu rừng đã được Nhà nước quyết định khoanh cấm, phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Lực lượng kiểm lâm nhân dân các cấp trực tiếp phụ trách việc này.
a) Những khu rừng cấm quan trọng có tính chất quốc gia, Bộ sẽ đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng cho thành lập vườn quốc gia hoặc khu rừng cấm quốc gia trực thuộc Bộ, có ban Giám đốc quản lý rừng cấm, có lực lượng kiểm lâm nhân dân chuyên trách quản lý rừng cấm.
b) Những khu rừng cấm đã giao cho cơ quan Nhà nước quản lý như cơ quan văn hoá, du lịch v.v... thì thủ trưởng các cơ quan đó chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng quản lý bảo vệ rừng, dưới sự hướng dẫn , giúp đỡ, kiểm tra của hạt kiểm lân nhân dân địa phương.
c) Những khu rừng cấm khác chưa giao cho một cơ quan Nhà nước quản lý, thì rừng thuộc ranh giới địa phương nào do Uỷ ban nhân dân địa phương đó chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Các khu rừng cấm thuộc tỉnh hoặc thuộc huyện, tuỳ theo tính chất quan trọng và quy mô mà có thể thành lập ban giám đốc khu rừng cấm hoặc trạm quản lý khu rừng cấm, có lực lượng kiểm lâm nhân dân chuyên trách quản lý. Khu rừng cấm thuộc tỉnh thì các Sở, Ty Lâm nghiệp trực tiếp quản lý. Những khu rừng cấm thuộc huyện thì các ban Lâm nghiệp quản lý, nơi nào chưa có ban lâm nghiệp thì hạt kiểm lâm nhân dân huyện trực tiếp quản lý.
3. Rừng phòng hộ và các loại rừng khác.
Rừng phòng hộ đầu nguồn trong tỉnh, trong huyện và những khu rừng và đất rừng hiện nay chưa giao cho tổ chức nào quản lý kinh doanh, nếu thuộc địa phận của cấp nào thì tổ chức lâm nghiệp cấp ấy chịu trách nhiệm bố trí kiểm lâm nhân dân cấp đó quản lý bảo vệ.
Những khu rừng cấm hoặc rừng phòng hộ nằm trong quy hoạch giao cho liên hiệp lâm công nghiệp hoặc lâm trường quản lý thì do giám đốc liên hiệp lâm trường chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý theo quy chế quản lý khu rừng cấm và rừng phòng hộ.
II. VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG
Hệ thống tổ chức quản lý bảo vệ rừng từ trung ương đến cơ sở như sau:
1. Cục kiểm lâm nhân dân: Ở trung ương có cục kiểm lâm nhân dân trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cục kiểm lâm nhân dân được thực hiện theo Quyết định số 11-TCh ngày 5-1-1982 của Bộ Lâm nghiệp quy định.
2. Chi cục kiểm lâm nhân dân: Ở tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có chi cục kiểm lâm nhân dân trực thuộc Sở, Ty lâm nghiệp. Ở những nơi chưa có Sở, Ty lâm nghiệp thì chi cục kiểm lâm nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
Chi cục kiểm lâm nhân dân là cơ quan có đủ tư cách pháp nhân, là đơn vị dự toán cấp III, được Sở, Ty lâm nghiệp cấp kinh phí sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng và xây dựng cơ bản theo chỉ tiêu kế hoạch phân bổ của Bộ Lâm nghiệp, được mở tài khoản tại Ngân hàng và được sử dụng con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.
Tổ chức của chi cục phải gọn nhẹ, bảo đảm chất lượng cán bộ, hoạt động có hiệu lực.
Chi cục được thành lập các phòng quản lý bảo vệ rừng; pháp chế kiểm thu; tổ chức hành chính kế toán tổng hợp. Tuỳ theo biên chế chung của lực lượng kiểm lâm nhân dân toàn tỉnh nhiều hay ít mà bố trí số cán bộ, nhân viên ở cơ quan chi cục cho hợp lý, tỉ lệ không quá 6% tổng số biên chế được duyệt.
Trong những trường hợp đặc biệt, tỉ lệ trên không bảo đảm công tác, thì Sở, Ty phải trình Bộ xét duyệt.
Là cơ quan chuyên trách quản lý , bảo vệ rừng của tỉnh, chi cục phải làm tham mưu cho Sở, Ty lâm nghiệp và tổ chức thực hiện mọi kế hoạch về công tác quản lý, bảo vệ rừng trong tỉnh theo đúng chủ trương của Bộ Lâm nghiệp và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố. Chi cục có trách nhiệm giúp đỡ và có quyền kiểm tra, kiến nghị việc thi hành các chế độ, thể lệ về quản lý, bảo vệ rừng ở các tổ chức kinh doanh lâm nghiệp và các mặt hoạt động có liên quan đến rừng trong tỉnh theo chức năng, quyền hạn của chi cục kiểm lâm nhân dân. Để làm được việc này, chi cục phải nắm vững luật lệ quản lý bảo vệ rừng, tăng cường hoạt động nghiệp vụ kỹ thuật và đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng.