Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT Quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 31/2015/TT-BNNPTNT
Ngày ban hành 06/10/2015
Ngày có hiệu lực 19/11/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2015/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ GIÁM SÁT DƯ LƯỢNG CÁC CHẤT ĐỘC HẠI TRONG ĐỘNG VẬT VÀ SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT THỦY SẢN NUÔI

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nội dung, trình tự, thủ tục triển khai Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi dùng làm thực phẩm (sau đây gọi tắt là “Chương trình giám sát dư lượng”); trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với: các cơ sở nuôi thuỷ sản, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thuỷ sản nuôi (sau đây gọi tắt là cơ sở), các Cơ quan kiểm tra, Cơ quan giám sát và cơ sở kiểm nghiệm tham gia Chương trình giám sát dư lượng.

Ðiều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dư lượng các chất độc hại (sau đây gọi tắt là dư lượng): là phần còn lại của thuốc thú y, chất kích thích sinh trưởng và sinh sản, chất xử lý môi trường nuôi, các chất độc hại có nguồn gốc từ thức ăn, từ môi trường nuôi và các chất chuyển hoá của chúng tồn lưu trong thuỷ sản nuôi có thể gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.

2. Lô sản phẩm thuỷ sản nuôi: là tập hợp nhiều cá thể của một đối tượng động vật thuỷ sản nuôi được thu hoạch cùng thời điểm tại một vùng nuôi hoặc cơ sở nuôi thuỷ sản.

3. Dư lượng vượt mức giới hạn tối đa cho phép: là trường hợp phát hiện dư lượng hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng hoặc dư lượng hoá chất, kháng sinh hạn chế sử dụng vượt mức giới hạn tối đa cho phép trong các mẫu động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi.

Ðiều 4. Nguyên tắc, nội dung, căn cứ triển khai Chương trình giám sát dư lượng

1. Nguyên tắc triển khai Chương trình giám sát dư lượng:

Chương trình giám sát dư lượng được triển khai theo nguyên tắc như sau:

a) Đối tượng thủy sản nuôi được giám sát là đối tượng có sản lượng thương phẩm lớn, giá trị kinh tế cao phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển đối tượng thủy sản nuôi của địa phương và cả nước.

b) Vùng nuôi thủy sản được giám sát là khu vực nuôi trồng thủy sản có cùng mức nguy cơ về ô nhiễm, xác định theo địa giới hành chính phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương và cả nước.

2. Nội dung Chương trình giám sát dư lượng:

a) Xây dựng và thông báo kế hoạch triển khai Chương trình giám sát dư lượng;

[...]