Thông tư 30/2019/TT-BTC hướng dẫn đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán giao dịch công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành và trái phiếu chính quyền địa phương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 30/2019/TT-BTC
Ngày ban hành 28/05/2019
Ngày có hiệu lực 15/07/2019
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Huỳnh Quang Hải
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2019/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2019

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ, LƯU KÝ, NIÊM YẾT, GIAO DỊCH VÀ THANH TOÁN GIAO DỊCH CÔNG CỤ NỢ CỦA CHÍNH PHỦ, TRÁI PHIẾU ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH DO NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH PHÁT HÀNH VÀ TRÁI PHIẾU CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoánLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoánLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 93/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương;

Căn cứ Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán giao dịch công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành và trái phiếu chính quyền địa phương.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn chi tiết hoạt động đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán giao dịch công cụ nợ của Chính phủ (gồm trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc), trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành và trái phiếu chính quyền địa phương (sau đây gọi tắt là công cụ nợ).

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

1. Công cụ nợ tương đương có thể thay thế là công cụ nợ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán và được sử dụng để thanh toán thay cho công cụ nợ gốc trong giao dịch công cụ nợ trong trường hợp không có đủ công cụ nợ gốc để thanh toán.

2. Giá thực hiện là giá tính trên một trái phiếu dùng để xác định số tiền phải thanh toán trong các giao dịch công cụ nợ.

3. Giá yết là giá công cụ nợ được các thành viên giao dịch yết trên hệ thống. Giá yết được hiểu là giá không gộp lãi danh nghĩa (nếu có).

4. Hệ thống giao dịch công cụ nợ (sau đây gọi tắt là hệ thống giao dịch) là hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động giao dịch công cụ nợ tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Hệ thống giao dịch cho phép nhận, chuyển, sửa, ghi nhận, theo dõi, kết xuất dữ liệu phục vụ việc thực hiện giao dịch công cụ nợ.

5. Ngân hàng thanh toán giao dịch công cụ nợ là Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng thanh toán tiền cho các giao dịch công cụ nợ trên Sở Giao dịch Chứng khoán.

6. Ngân hàng thành viên thanh toán là ngân hàng thương mại có tài khoản tiền gửi thanh toán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và là thành viên trực tiếp của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, thực hiện chức năng thanh toán tiền giao dịch công cụ nợ cho các tổ chức thanh toán tiền gián tiếp và (hoặc) cho chính mình.

7. Thanh toán theo từng giao dịch là phương thức thanh toán tiền, công cụ nợ trong đó việc chuyển giao tiền, công cụ nợ giữa các bên tham gia giao dịch qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam được thực hiện trên cơ sở từng giao dịch ngay khi bên mua chuyển tiền và bên bán chuyển công cụ nợ.

8. Tổ chức mở tài khoản trực tiếp là tổ chức mở tài khoản lưu ký chứng khoán trực tiếp tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và sử dụng các dịch vụ lưu ký, thanh toán của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam trên cơ sở hợp đồng cung cấp dịch vụ với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

9. Tổ chức thanh toán tiền gián tiếp là tổ chức không phải là thành viên của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phải mở tài khoản tại một ngân hàng thành viên thanh toán để thực hiện thanh toán tiền giao dịch công cụ nợ của mình và khách hàng của mình; bao gồm: công ty chứng khoán là thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp không phải là ngân hàng thương mại và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

10. Tổ chức thanh toán tiền trực tiếp là tổ chức thực hiện thanh toán tiền giao dịch công cụ nợ trực tiếp tại hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chương II

[...]