Thông tư 28-BTC/TT năm 1991 quy định chế độ quyết toán vốn đầu tư khi công trình xây dựng cơ bản hoàn thành do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 28-BTC/TT
Ngày ban hành 10/04/1991
Ngày có hiệu lực 01/04/1991
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28-BTC/TT

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 1991

 

THÔNG TƯ

SỐ 28-BTC/TT NGÀY 10-4-1991 CỦA BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ KHI CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN HOÀN THÀNH

Căn cứ vào Điều 41 về quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản khi công trình kết thúc xây dựng trong điều lệ quản lý xây dựng cơ bản ban hành theo Nghị định số 385-HĐBT ngày 7-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Tài chính quy định cụ thể chế độ quyết toán vốn đầu tư khi công trình xây dựng cơ bản hoàn thành như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Xác định đầy đủ và chính xác tổng mức vốn đã đầu tư xây dựng được công trình, vốn đầu tư chuyển thành tài sản cố định, tài sản lưu động hoặc chi phí không thành tài sản của công trình. Trên cơ sở đó xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ quản đầu tư trong việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

- Qua quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản xác định được số lượng, chất lượng năng lực sản xuất, giá trị tài sản cố định mới tăng do đầu tư mang lại để có kế hoạch huy động, sử dụng kịp thời và phát huy hiệu quả của công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành.

- Đánh giá kết quả quá trình đầu tư xây dựng cơ bản rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư phù hợp với tình hình hiện nay.

II- PHẠM VI - ĐỐI TƯỢNG

1. Tất cả các công trình đầu tư xây dựng cơ bản thuộc khu vực Nhà nước, không phân biệt quy mô, hình thức xây dựng, nguồn vốn đầu tư và cấp quản lý khi hoàn thành đưa vào sản xuất, sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm quyết toán toàn bộ vốn đầu tư của công trình hoàn thành với cơ quan chủ quản đầu tư và cơ quan cấp phát hoặc cho vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho công trình:

- Công trình đầu tư thuộc các Bộ trung ương quản lý thì chủ đầu tư phải quyết toán với Bộ, chủ quản, Bộ Tài chính; Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam.

- Công trình đầu tư thuộc các địa phương quản lý thì chủ đầu tư phải quyết toán với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (hoặc sở chủ quản nếu được Uỷ ban nhân dân uỷ nhiệm) Sở Tài chính, Ngân hàng đầu tư và phát triển địa phương.

2. Nếu công trình được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn thì chủ đầu tư phải tổng quyết toán toàn bộ công trình, trong đó quyết toán riêng theo cơ cấu từng nguồn vốn đã được sử dụng đầu tư xây dựng từ khi bắt đầu công tác chuẩn bị đầu tư khởi công xây dựng hoàn thành, công trình đưa vào sản xuất sử dụng.

3. Việc quyết toán được thực hiện đối với toàn bộ công trình xây dựng cơ bản khi hoàn thành đưa vào sản xuất - sử dụng theo quy định trong luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc theo báo cáo kinh tế - kỹ thuật trong quá trình xây dựng công trình, trường hợp từng hạng mục công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư phải xác định đầy đủ vốn đầu tư xây dựng cơ bản (kể cả hạng mục công trình đó, chủ đầu tư phải báo cáo với cơ quan chủ quản đầu tư, cơ quan cấp phát hoặc cho vay vốn đầu tư để làm căn cứ thanh toán bàn giao, hạch toán và quản lý sử dụng của đơn vị nhận tài sản. Sau khi công trình hoàn thành, chủ đầu tư phải quyết toán toàn bộ công trình (kể cả những hạng mục công trình đã hoàn thành huy động vào sử dụng) theo quy định nêu trên.

III- NỘI DUNG QUYẾT TOÁN

1. Xác định tổng số vốn thực tế đã đầu tư cho công trình, bao gồm chi phí cho việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng, và xây dựng, chi phí mua sắm và lắp đặt thiết bị, các khoản chi phí kiến thiết cơ bản khác cho công trình chính, công trình phụ hoặc công trình có liên quan được quy định trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật.

2. Xác định các khoản chi phí thiệt hại không tính vào giá công trình (nếu có) bao gồm:

- Thiệt hại do thiên tai địch hoạ.

- Thiệt hại về các chi phí và giá trị các khối lượng phải huỷ bỏ theo quyết định của Nhà nước.

3. Xác định tổng vốn đầu tư thực tế tính vào công trình đầu tư:

Tổng số vốn đầu tư tính vào công trình


=

Tổng số vốn thực tế đầu tư xây dựng công trình


-

Các khoản chi phí thiệt hại được Nhà nước cho phép không tính vào giá trị công trình

4. Xác định giá trị và phân loại tài sản cố định, tài sản lưu động do đầu tư mang lại.

Vốn đầu tư được coi là thành tài sản cố định theo quy định của Nhà nước bao gồm:

- Chi phí chuẩn bị đầu tư

- Chi phí xây dựng công trình

- Chi phí lắp đặt máy móc thiết bị

- Giá trị máy móc thiết bị

- Chi phí kiến thiết cơ bản khác.

Tổng cộng giá trị của tất cả tài sản cố định thuộc đối tượng nêu trên là giá trị tài sản cố định của toàn bộ công trình.

[...]