Thông tư 26/2010/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 111/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 26/2010/TT-BKHCN
Ngày ban hành 29/12/2010
Ngày có hiệu lực 22/02/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Lê Đình Tiến
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2010/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 111/2009/NĐ-CP NGÀY 11/12/2009 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008;
Căn cứ Nghị định số 111/2009/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ,
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn một số điều nêu tại Chương II của Nghị định số 111/2009/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 111) về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và thẩm quyền, thủ tục xử phạt như sau:

Chương 1.

HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ

Điều 1. Hành vi vi phạm quy định về khai báo

1. Hành vi không khai báo chất phóng xạ, chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, thiết bị bức xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 111 được hiểu là không khai báo với Sở Khoa học và Công nghệ hoặc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân như phân cấp tại Điều 8 Thông tư số 08/2010/TT-BKHCN ngày 22 tháng 7 năm 2010 Hướng dẫn về việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ.

2. Hành vi “không khai báo nguồn phóng xạ đã qua sử dụng” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Nghị định 111: “Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng” được hiểu là nguồn phóng xạ đã từng được sử dụng, hiện tại không tiếp tục sử dụng nữa (do nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ bị hư hỏng hoặc không còn nhu cầu sử dụng).

Điều 2. Hành vi vi phạm quy định về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

1. Về biện pháp khắc phục hậu quả “đình chỉ lưu thông hàng hóa trong thời gian nhất định” quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định 111: “Thời gian nhất định” là thời gian cần thiết để hoạt độ phóng xạ của chất phóng xạ trên hàng hóa giảm đến mức đáp ứng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về An toàn bức xạ - Thanh lý chất phóng xạ, vật thể bị nhiễm bẩn phóng xạ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “đình chỉ lưu thông hàng hóa”, nếu cơ quan có thẩm quyền xử phạt không xác định được thời gian đình chỉ cụ thể thì tiến hành trưng cầu ý kiến của cơ quan chuyên môn có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Kết quả đánh giá của cơ quan chuyên môn là cơ sở cho việc xác định thời gian đình chỉ lưu thông số hàng hóa vi phạm.

2. Hành vi “để liều chiếu xạ đối với công chúng, đối với nhân viên bức xạ vượt quá liều giới hạn” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định 111 được hiểu là: tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ để liều chiếu xạ nghề nghiệp, liều chiếu xạ công chúng vượt quá mức giới hạn liều quy định tại Thông tư hướng dẫn kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

3. Hành vi “không có chỉ dẫn an toàn, an ninh, cảnh báo bức xạ” quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định 111 được hiểu là:

a) Không bố trí biển báo bức xạ, dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm bức xạ, đèn cảnh báo bức xạ, đèn báo hoạt động bức xạ tại cửa ra vào phòng đặt, vận hành thiết bị bức xạ;

b) Trường hợp cơ sở tiến hành công việc bức xạ có nhiều thiết bị bức xạ đặt tại nhiều phòng khác nhau, nhưng được tập trung thành khu vực (như khoa, trung tâm …) mà không bố trí biển báo bức xạ, dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm bức xạ tại khu vực có các phòng đặt, sử dụng, vận hành thiết bị bức xạ;

c) Không có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm phóng xạ trên vỏ chứa nguồn phóng xạ, trên vỏ dụng cụ chứa nguồn phóng xạ, trên thiết bị bức xạ;

d) Không có biển báo bức xạ, chỉ dẫn an toàn ở nơi lối ra – vào khu vực kiểm soát, khu vực giám sát;

đ) Không có thiết bị cảnh báo bức xạ đối với cơ sở có lò phản ứng hạt nhân, máy gia tốc, thiết bị chiếu xạ khử trùng, xử lý vật liệu, thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp, cơ sở xạ trị từ xa, cơ sở khai thác và chế biến quặng phóng xạ;

e) Không có chỉ dẫn quy định an ninh để ngăn chặn những người không có trách nhiệm lại gần khu vực có nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ.

4. Hành vi “không tổ chức đào tạo kiến thức an toàn bức xạ, hạt nhân cho nhân viên bức xạ” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định 111 được hiểu là:

a) Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ không tổ chức đào tạo cho nhân viên bức xạ mới tuyển dụng;

b) Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ hàng năm không tổ chức huấn luyện, bổ sung kiến thức mới về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và chuyên môn cho nhân viên bức xạ.

5. Hành vi “không xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở” quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 111 được hiểu là:

a) Cơ sở lưu giữ, sử dụng, quản lý nguồn phóng xạ mà không xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở;

b) Cơ sở lưu giữ, sử dụng, quản lý nguồn phóng xạ có kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở nhưng không đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Năng lượng nguyên tử. Nội dung kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở bao gồm: dự kiến các tình huống sự cố có thể xảy ra, phương án huy động nhân lực, phương tiện thực hiện các biện pháp ứng phó ban đầu, tổ chức cấp cứu người bị nạn, hạn chế sự cố lan rộng, hạn chế hậu quả, cô lập khu vực nguy hiểm và kiểm soát an toàn, an ninh, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố định kỳ hàng năm;

c) Cơ sở lưu giữ, sử dụng, quản lý nguồn phóng xạ mà không tổ chức thực hiện một trong những nội dung của kế hoạch ứng phó sự cố cấp cơ sở nêu tại điểm b khoản 5 Điều này.

6. Hành vi “không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên bức xạ” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 14 Nghị định 111 được hiểu là:

a) Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ mà không tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên bức xạ khi mới tuyển dụng;

[...]