Thông tư 25-TC/TCT năm 1993 hướng dẫn Quyết định 180-TTg năm 1992 về việc lập quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 25-TC/TCT
Ngày ban hành 24/03/1993
Ngày có hiệu lực 01/01/1993
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Thương mại,Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25-TC/TCT

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 1993

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 25-TC/TCT NGÀY 24/3/1993 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 180-TTG NGÀY 22/12/1992 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC LẬP QUỸ CHỐNG CÁC HÀNH VI KINH DOANH TRÁI PHÁP LUẬT

Thi hành Quyết định số 180-TTg ngày 22/12/1992 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc thi hành như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC THÀNH LẬP QUỸ

Theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 180-TTg thì các cơ quan được phép lập quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật (dưới đây gọi là quỹ) bao gồm: quản lý thị trường, công an, hải quan, thuế, biên phòng.

II. NGUYÊN TẮC VÀ NGUỒN TRÍCH LẬP QUỸ

1. Nguyên tắc trích lập quỹ.

- Chỉ được phép trích lập quỹ sau khi đã có quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt hành chính hoặc quyết định xét xử của toà án và không có khiếu nại trong thời gian pháp luật quy định. Trường hợp có khiếu nại thì chỉ sau khi giải quyết xong việc khiếu nại mới được trích lập quỹ.

- Chỉ được phép trích trên số tiền thu được về: bán hàng hoá, tang vật bị tịch thu, tiền phạt và tiền thuế ẩn lậu phát hiện đã thực nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan mở tại kho bạc, không được trích trên số tiền thu được về nợ đọng thu và phạt về nộp chậm tiền thuế để lập quỹ.

2. Nguồn trích lập quỹ.

Điều 2 Quyết định 180-TTg quy định nguồn trích lập quỹ là:

a. Trích 30% tổng số tiền thu được về bán hàng hoá, tang vật bị tịch thu và tiền phạt sau khi trừ đi các chi phí điều tra, xác minh, bốc dỡ, vận chuyển, bảo quản, kiểm nghiệm giám định hàng hoá tang vật và bồi thường tổn thất do nguyên nhân khách quan (nếu có).

b. Trích 2% số tiền thuế ẩn lậu đã phát hiện và truy thu đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

c. Trích 5% số tiền thuế ẩn lậu đã phát hiện và truy thu được đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh khác.

Cụ thể như sau:

- Tổng số tiền thu được về bán hàng hoá, tang vật tịch thu, theo quyết định của Hội đồng xét xử, hoặc của toà án.

- Tiền phạt là toàn bộ số tiền thực thu được thể hiện trên chứng từ thu hợp lệ về xử phạt.

- Các chi phí điều tra, xác minh, bốc dỡ, vận chuyển, bảo quản, kiểm nghiệm, giám định hàng hoá tang vật được trừ vào tổng số tiền thu được khi có chứng từ hợp lệ và phù hợp với chế độ hiện hành. Cơ quan thuế có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của các chứng từ chi phí nêu trên.

- Tiền thuế ẩn lậu đã phát hiện và truy thu được là số thuế được phát hiện thêm ngoài tờ khai tính thuế hoặc ngoài báo cáo quyết toán về kết quả kinh doanh quý, năm của các doanh nghiệp hoặc ngoài số thuế đã ghi trong sổ bộ hàng tháng của cơ quan thuế; không được tính số thuế thu vào hoạt động buôn chuyến trên khâu lưu thông.

III.THỦ TỤC NỘP TIỀN VÀO TÀI KHOẢN TẠM GIỮ, TRÍCH LẬP QUỸ VÀ PHÂN PHỐI SỬ DỤNG QUỸ

1. Mở tài khoản tạm giữ tại cơ quan kho bạc.

Cơ quan thuế các cấp được mở tài khoản tạm giữ tại cơ quan kho bạc cùng cấp để gửi và thanh toán các khoản tiền thu được do các cơ quan trực tiếp kiểm tra như quy định tại Mục 1 của Thông tư này (quản lý thị trường, công an, biên phòng, thuế).

Riêng cơ quan hải quan được mở tài khoản tạm giữ tại kho bạc để gửi và thanh toán các khoản do cơ quan hải quan trực tiếp kiểm tra, phát hiện.

2. Thủ tục nộp tiền và trích quỹ.

Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi quyết định xử phạt đối với các hành vi kinh doanh trái Pháp luật phải tuân thủ trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định tại Điều 21, Điều 27, Điều 33 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 30/11/1989. Riêng đối với việc xử lý hàng tịch thu thuộc đối tượng ghi trong Chỉ thị 01-TTg ngày 6/10/1992 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo những quy định tại Điểm 1, 2, 3 phần I Thông tư 77 TC/TCT ngày 5/12/1992 của Bộ Tài chính về hướng dẫn về xử lý hàng tịch thu.

a. Đối với hàng hoá, tang vật bị tịch thu:

Hồ sơ hàng hoá, tang vật bị tịch thu bao gồm: biên nhận tạm giữ hàng hoá, tang vật, quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền, biên lai thu tiền (CTT 11), phiếu xuất hàng hoá, tang vật bị tịch thu, giấy nộp tiền vào ngân sách, biên bản bán đấu giá, quyết định trích lập quỹ, các chứng từ về chi phí khác (nếu có) như chi phí điều tra, xác minh, bốc dỡ, vận chuyển, bảo quản, kiểm nghiệm, giám định, chi phí tổ chức bán hàng hoá, tang vật bị tịch thu...

Khi bán hàng hoá, tang vật bị tịch thu phải sử dụng biên lai thu tiền (CTT 11). Toàn bộ số tiền thu được phải nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thuế mở tại kho bạc Nhà nước, nơi xảy ra sự việc.

[...]