Thông tư 25/2014/TT-BTP hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 25/2014/TT-BTP
Ngày ban hành 31/12/2014
Ngày có hiệu lực 15/02/2015
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2014/TT-BTP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;

Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính,

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính gồm: nguyên tắc, hình thức, cách thức, thẩm quyền, quy trình, nội dung kiểm tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn kiểm tra; nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân được kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (sau đây gọi chung là Bộ, cơ quan); Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc kiểm tra

1. Kiểm tra phải được thực hiện theo đúng nội dung, thẩm quyền, quy trình; phù hợp với yêu cầu thực tế và đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.

2. Đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch và đúng pháp luật.

3. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác kiểm tra, tránh trùng lặp, chồng chéo trong kiểm tra.

4. Không gây nhũng nhiễu, phiền hà, khó khăn, trở ngại cho tổ chức, cá nhân được kiểm tra.

5. Chỉ thực hiện kiểm tra khi có kế hoạch kiểm tra hoặc yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Hình thức kiểm tra

1. Kiểm tra định kỳ là việc kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên hàng năm được cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt.

2. Kiểm tra đột xuất là việc kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.

Điều 5. Cách thức kiểm tra

Việc kiểm tra được tiến hành theo hai cách thức sau:

1. Kiểm tra trực tiếp là việc Đoàn kiểm tra làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân được kiểm tra.

2. Kiểm tra gián tiếp là việc Đoàn kiểm tra nghiên cứu báo cáo, văn bản, tài liệu của tổ chức, cá nhân được kiểm tra.

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của Đoàn kiểm tra

[...]