Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 23/2009/TT-BXD hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 23/2009/TT-BXD
Ngày ban hành 16/07/2009
Ngày có hiệu lực 01/09/2009
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Hồng Quân
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 23/2009/TT-BXD

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI TUYỂN VÀ TUYỂN CHỌN PHƯƠNG ÁN THIẾT KẾ KIẾN TRÚC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình,

Bộ Xây dựng hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng nhằm chọn được phương án thiết kế tốt nhất, đáp ứng tối đa các yêu cầu về thẩm mỹ, quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, công năng sử dụng; thể hiện được ý nghĩa, tính chất của công trình xây dựng, đồng thời có tính khả thi cao.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Hướng dẫn việc thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng đối với những công trình công cộng có quy mô lớn, công trình có yêu cầu kiến trúc đặc thù. Đối với các công trình khác thì khuyến khích áp dụng.

2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.

Điều 3. Các công trình yêu cầu phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc

1. Công trình công cộng có quy mô lớn bao gồm các công trình có quy mô cấp I, cấp đặc biệt.

2. Công trình có yêu cầu kiến trúc đặc thù bao gồm:

a) Công trình mang tính biểu tượng, công trình điểm nhấn, công trình được xây dựng tại vị trí có ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo cảnh quan kiến trúc của đô thị hoặc các công trình có yêu cầu đặc thù như cửa khẩu quốc tế, tượng đài, nhà ga đường sắt trung tâm, ga hàng không quốc tế, nội địa; trung tâm phát thanh truyền hình cấp tỉnh trở lên;

b) Công trình giao thông đô thị có yêu cầu thẩm mỹ cao như cầu vượt, cầu qua sông trong đô thị;

c) Công trình là biểu tượng về truyền thống, văn hoá và lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với địa phương;

d) Các công trình có yêu cầu kiến trúc trang trọng, thể hiện quyền lực như trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, trung tâm hành chính-chính trị cấp tỉnh trở lên;

e) Các công trình do yêu cầu của chính quyền để tạo ra dấu ấn, góp phần tạo diện mạo, cảnh quan đô thị.

Điều 4. Các hình thức thi tuyển và tuyển chọn phương án

Sau khi có chủ trương đầu tư, người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư (khi chủ đầu tư cũng là người quyết định đầu tư) quyết định tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng. Việc thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:

1. Hình thức thi tuyển:

a) Thi tuyển rộng rãi:

Thi tuyển rộng rãi là hình thức thi tuyển không hạn chế số lượng tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu thấy cần thiết) tham gia và được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Thi tuyển hạn chế:

Thi tuyển hạn chế là hình thức thi tuyển mà chủ đầu tư mời tối thiểu 5 tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu thấy cần thiết) có năng lực chuyên môn tham gia thi tuyển. Hình thức thi tuyển hạn chế được áp dụng đối với trường hợp chủ đầu tư đã xác định được một số đơn vị tư vấn có năng lực phù hợp với dự án, công trình xây dựng hoặc vì điều kiện và thời gian không thể tổ chức thi tuyển rộng rãi.

2. Hình thức tuyển chọn phương án:

Tuyển chọn phương án là hình thức người quyết định đầu tư (hoặc chủ đầu tư) lựa chọn một đơn vị tư vấn thiết kế có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm đề xuất tối thiểu 3 phương án thiết kế để chủ đầu tư lựa chọn phương án tốt nhất để thiết kế, xây dựng công trình.

[...]