Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông Tư 22-TT/LB-1976 Hướng dẫn thêm về nội dung ký kết hợp đồng tập thể và trách nhiệm của các cấp trong việc thực hiện hợp đồng do Bộ Lao Động và Tổng Công Đoàn Việt Nam ban hành

Số hiệu 22-TT/LB
Ngày ban hành 27/11/1976
Ngày có hiệu lực 12/12/1976
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Tổng Công đoàn Việt Nam
Người ký Đỗ Trọng Giang,Nguyễn Song Tùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
BỘ LAO ĐỘNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-TT/LB

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 1976 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THÊM VỀ NỘI DUNG KÝ KẾT HỢP ĐỒNG TẬP THỂ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP TRONG VIỆC THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Ngày 21 tháng 11 năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã ra nghị định số 172-CP ban hành Điều lệ tạm thời về chế độ ký kết hợp đồng tập thể ở các xí nghiệp Nhà nước, Bộ Lao động đã ra thông tư số 18-LĐ/TT ngày 24-12-1963 hướng dẫn thi hành điều lệ.

Trong những năm qua, nhất là trong hai năm 1974-1975 số cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện chế độ ký kết hợp đồng tập thể tăng lên nhiều. Những nơi thực hiện đã có tác dụng nâng cao được ý thức trách nhiệm, phát huy quyền làm chủ tập thể của toàn thể công nhân, viên chức, góp phần cải tiến công tác quản lý xí nghiệp, tổ chức đời sống và thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu đưa quản lý kinh tế vào nền nếp và cải tiến một bước thì còn nhiều mặt yếu, số lượng ký kết chưa nhiều, chất lượng chưa tốt. Việc tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ nghiêm túc. Trách nhiệm của cấp trên và của cơ sở còn nhiều việc quy định chưa rõ. Chế độ thưởng phạt chưa thực hiện được. Các cơ sở còn vướng mắc, lúng túng về nội dung ký kết hợp đồng. Việc tạo tiền đề, tạo điều kiện cho cơ sở chưa tốt. Vì vậy, tính pháp lý của hợp đồng bị hạn chế. Nguyên nhân do nhận thức trách nhiệm, nhận thức về vai trò làm chủ tập thể của quần chúng trong sản xuất và trình độ vận dụng của cơ sở chưa đầy đủ, trách nhiệm của các cấp trên (các cấp chính quyền và công đoàn) chưa làm tốt, việc hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc,  xét duyệt đăng ký hợp đồng, giải quyết các kiến nghị không kịp thời và chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở…

Để tiếp tục thực hiện nghị quyết số 46-CP và nghị quyết số 19-CP trong tình hình mới, nâng cao tính pháp lý của hợp đồng tập thể, phát huy tác dụng của hợp đồng tập thể đối với sản xuất, quản lý và đời sống, góp phần hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước, Bộ Lao động và Tổng công đoàn Việt nam ra thông tư hướng dẫn thêm nội dung ký kết, đặt trách nhiệm thực hiện của các cấp trên của cơ sở đối với việc ký kết và thực hiện hợp đồng tập thể.

I – TRÁCH NHIỆM CỦA CẤP TRÊN CỦA CƠ SỞ ĐỐI VỚI VIỆC THI HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ VỀ CHẾ ĐỘ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG TẬP THỂ

Tại điều 6 và điều 8 bản điều lệ đã giao trách nhiệm cho các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành và bộ chủ quản trong việc xét duyệt và đăng ký bản hợp đồng. Điều 7 và điều 14 bản điều lệ giao trách nhiệm cho các Sở, Ty lao động, các cơ quan chủ quản  và công đoàn cùng cấp trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thẩm duyệt và tổng kết chế độ ký kết hợp đồng tập thể. Chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết số 19-CP, Bộ lao động và Tổng Công đoàn Việt nam xác định trách nhiệm của các cấp trên của cơ sở (Bộ, Ủy ban nhân dân, Sở, Ty, Cục và các cấp công đoàn…) về ý thức tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng tập thể nhằm hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước hàng năm.

Các cấp chính quyền phải giao sớm kế hoạch cho cơ sở, cân đối các chỉ tiêu và hướng dẫn cơ sở  ký kết hợp đồng tập thể. Công đoàn phải có kế hoạch hướng dẫn cho cơ sở về yêu cầu nội dung, cách phát động quần chúng bàn biện pháp thực hiện kế hoạch và cùng chuyên môn ký hợp đồng tập thể.

Khi cơ sở bắt đầu mở hội nghị công nhân, viên chức và ký kết hợp đồng tập thể, chíng quyền và công đoàn cùng cấp phải xuống tham dự, trứớc hết ở những đơn vị trọng điểm, để giúp và giải quyết trực tiếp khó khăn của cơ sở. Phải tạo điều kiện thuận lợi để giám đốc và công đoàn cam kết thực hiện. Đối với những khó khăn về điều kiện vật chất kỹ thuật mà cơ sở không giải quyết được, cấp trên phải có ý kiến trả lời rõ ràng.

Sai khi cơ sở đã ký xong và gửi bản hợp đồng lên đăng ký, chính quyền và công đoàn cùng cấp phải có trách nhiệm xét duyệt và đăng ký chính thức cho những cơ sở thuộc phạm vi mình quản lý. Những kiến nghị của cơ sở gửi lên, chính quyền, công đoàn cùng cấp phải tập hợp lại để nghiên cứu, mở hội nghị liên tịch bàn cách giải quỵết. Những loại kiến nghị cần được giải quyết thì đưa vào nghị quyết liên tịch của ngành hoặc địa phương. Loại nào không giải quyết được hoặc chỉ giải quyết được một phần thì phải trả lời bằng văn bản rõ ràng cho cơ sở. Cả hai trường hợp trên chậm nhất không quá 15 ngày, quá thời hạn đó, trách nhiệm thuộc về các cấp trên cơ sở.

Những trường hợp thay đổi, điều chỉnh kế hoạch phải bàn kỹ với cơ sở và giúp cơ sở tổ chức điều chỉnh hợp đồng tập thể và thông báo kịp thời cho cho toàn thể công nhân, viên chức biết.

Cấp trên (chính quyền và công đoàn) 3 tháng một lần tổ chức kiểm tra việc thực hiện của cơ sở để uốn nắn những lệch lạc, giúp cơ sở giải quyết khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng tập thể.

Khi xét công nhận hoàn thành kế hoạch phải đồng thời với việc đáng giá nhận xét việc thực hiện hợp đồng tập thể của cơ sở.

II – TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ VÀ NỘI DUNG KÝ KẾT HỢP ĐỒNG TẬP THỂ

Nội dung ký kết và trách nhiệm thực hiện có quan hệ chặt chẽ với nhau. Xác định được nội dung ký kết sát hợp có ý nghĩa làm rõ một bước trách nhiệm thực hiện các bên. Điều lệ quy định việc cam kết giữa giám đốc và ban chấp hành công đoàn và tại điều 22 có quy định trách nhiệm thực hiện của tất cả các công nhân, viên chức trong và ngoài biên chế. Vì vậy, thông tư này hướng dẫn việc cam kết, trách nhiệm thực hiện đối với giám đốc, công đoàn và toàn thể công nhân, viên chức trong từng công việc, từng nội dung ký kết.

Tùy theo đặc điểm của từng ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, thương nghiệp, v.v…) và tùy theo từng thời gian để đặt nội dung ký kết cho sát hợp. Các điểm ký kết phải gọn, cụ thể, thiết thực, bảo đảm việc ký kết là phải thực hiện được. Phải xem xét kỹ các khâu yếu và khả năng tiềm tàng sẵn có chưa được huy động và khai thác của từng cơ sở, hết sức bảo đảm các tiền đề cho phong trào lao động sản xuất. Muốn đẩy mạnh sản xuất hoàn thành kế hoạch cần tập trung giải quyết những tồn tại lớn như: lao động quản lý sử dụng chưa tốt, vật tư nguyên liệu cung cấp thiếu và thất thường, năng lực sản xuất và công suất thiết bị huy động quá thấp (trong lưu thông phân phối thì khâu quản lý sử dụng chưa tốt); đời sống tổ chức còn kém, phong trào thi đua chưa liên tục sôi nổi, đều khắp, v.v…Vì vậy, nội dung ký kết có thể cần có mấy nội dung chính dưới đây và cần làm rõ trách nhiệm của các bên.

A. Những vấn đề chung cần được làm rõ trách nhiệm của các bên để hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước

- Công bố những chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch của cấp trên giao, mức phấn đấu vượt kế hoạch của xí nghiệp và những biện pháp chủ yếu để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất mà giám đốc, ban chấp hành công đoàn, các bộ môn nghiệp vụ và toàn thể công nhân, viên chức có nghĩa vụ phải thực hiện. Đồng thời mở hội nghị từ tổ sản xuất trở lên, dân chủ bàn bạc, phát động phong trào thi đua đăng ký nhận vượt mức kế hoạch.

- Trách nhiệm chung của giám đốc trong việc thực hiện các mặt quản lý (kế hoạch, lao động, vật tư, kỹ thuật, chế độ chính sách, chỉ huy điều độ sản xuất hàng ngày). Giám đốc phải đề ra các biện pháp về tổ chức lao động, biện pháp tăng năng suất lao động, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, v.v…

- Trách nhiệm chung của công đoàn là phải giáo dục vận động công nhân, viên chức làm tốt mọi công tác của xí nghiệp và phát động quần chúng tăng cường giám sát việc thực hiện. Công đoàn phải làm tốt công tác vận động thi đua, bảo hiểm xã hội cùng chính quyền chăm lo công tác văn hóa, đời sống và phúc lợi.

- Trách nhiệm của mọi công nhân, viên chức phải tự giác làm tốt mọi nhiệm vụ sản xuất của xí nghiệp giao cho, phát huy sáng kiến đóng góp vào việc nâng cao năng suất lao động. Phải chấp hành tốt kỷ luật lao động, bảo vệ tài sản, có chương trình thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật.

B. Dưới đây là một số công tác quan trọng ở cơ sở, các bên cần cam kết làm tốt.

1. Khâu đầu tiên là công tác quản lý lao động.

- Trách nhiệm của giám đốc: phải thi hành đúng chế độ tuyển dụng, cho thôi việc, phải có phương án cải tiến tổ chức lao động, bố trí nơi làm việc gọn gàng, sạch sẽ, bảo đảm thao tác được nhanh chóng và thuận tiện. Tính toán thời gian lao động ở xí nghiệp còn bị mất mát bao nhiêu và có kế hoạch sắp xếp công việc cần làm để tận dụng hết thời gian lao động. Xây dựng và áp dụng định mức lao động hợp lý, thực hiện chế độ trả lương theo sản phẩm, và chế độ tiền thưởng; có chế độ kiểm tra nghiệm thu sản phẩm một cách chặt chẽ. Xử lý kịp thời những người vi phạm kỷ luật lao động, không chấp hành đúng định mức lao động, vô trách nhiệm làm hàng hỏng, hàng xấu. Thông báo kịp thời những việc sắp làm và kết quả công việc đã làm để động viên tinh thần phấn khởi của công nhân, viên chức. Phải có nội quy kỷ luật lao động ở xí nghiệp và nội quy an toàn kỹ thuật ở từng tổ sản xuất. Cần có kế hoạch phổ biến giáo dục chính sách luật lệ lao động hiện hành cho toàn thể cán bộ và công nhân, viên chức.

- Trách nhiệm của công đoàn: phải thi hành tốt chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi tập thể để góp phần quản lý tốt thời gian lao động. Công đoàn có trách nhiệm tham gia cùng giám đốc, xí nghiệp xây dựng định mức và chế độ trả lương sản phẩm, vận động công nhân, viên chức thực hiện. Về bảo hộ lao động và kỹ thuật an toàn, công đoàn phải dùng mọi hình thức tuyên truyền, giáo dục và kiểm tra thường xuyên để đề phòng tai nạn lao động, không để xảy ra tai nạn chết người.

- Trách nhiệm của toàn thể công nhân viên chức: trước hết phải lấy trách nhiệm của tổ sản xuất, tổ công tác làm đơn vị chỉ huy tác nghiệp hàng ngày.

Trách nhiệm cam kết ở tổ phải làm được các việc sau đây:

- Mọi người phải bảo đảm ngày công, giờ công đã quy định;

[...]