Thông tư 18-LĐ-TT năm 1963 hướng dẫn Điều lệ tạm thời về ký kết hợp đồng tập thể ở các xí nghiệp Nhà nước do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 18-LĐ-TT
Ngày ban hành 24/12/1963
Ngày có hiệu lực 08/01/1963
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-LĐ-TT

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 1963 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG TẬP THỂ Ở CÁC XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

-Các bộ, các cơ quan ngang bộ,
-Các tổng cục trực thuộc hội đồng chính phủ
-Các ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
-Các sở, ty, phòng lao động
-Tổng công đoàn việt-nam
-Liên hiệp công đoàn các tỉnh, thành.

 

Ngày 21 tháng 11 năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 172-CP, ban hành điều lệ tạm thời về chế độ ký kết hợp đồng tập thể ở các xí nghiệp Nhà nước. Nay Bộ Lao động sau khi đã thống nhất ý kiến với Tổng Công đoàn Việt-nam ra thông tư này nhằm giải thích và hướng dẫn thi hành điều lệ trên.

I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH

Điều lệ tạm thời quy định chế độ ký kết hợp đồng tập thể ở các xí nghiệp Nhà nước được ban hành là nhằm đáp ứng yêu cầu phát huy cao độ tinh thần làm chủ tập thể của toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức trong các xí nghiệp; củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác đồng chí giữa giám đốc xí nghiệp với công nhân, viên chức để nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm và ý thức làm chủ của cả hai bên trong việc đẩy mạnh sản xuất hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước và cải thiện đời sống.

Miền Bắc nước ta đã bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, lấy công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa làm nhiệm vụ trung tâm và đang thực hiện kế hoạch hóa 5 năm lần thứ nhất. Một trong những biện pháp quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nói trên ở các xí nghiệp là ký kết hợp đồng tập thể, trong đó giám đốc và công nhân, viên chức cùng nhau cam kết thực hiện đầu đủ nhiệm vụ của mình, đồng thời giúp đỡ giám sát và thúc đẩy lẫn nhau đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho công nhân, viên chức.

Thông qua việc ký kết hợp đồng tập thể, tư tưởng quần chúng sẽ được tiếp tục phát động lên một bước mới, sẽ nâng cao thêm ý thức trách nhiệm góp phần tăng cường và cải tiến công tác quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước. Như vậy quá trình trưởng thành về chính trị của giai cấp công nhân, anh chị em còn có thêm điều kiện để biểu hiện cụ thể tính tổ chức, tính kỷ luật và tính sáng tạo của mình trong việc nâng cao kinh tế, thực hiện vượt mức kế hoạch Nhà nước.

Tóm lại, ý nghĩa và mục đích của hợp đồng tập thể rất lớn, chúng ta cần làm cho mọi người trong xí nghiệp hiểu thật đầy đủ để hăng hái thực hiện hợp đồng một các nghiêm chỉnh.

II. NGUYÊN TẮC KÝ KẾT VÀ NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG TẬP THỂ

1. Nguyên tắc ký kết: Trong điều lệ tạm thời đã quy định hợp đồng tập thể được ký kết theo các nguyên tắc:

a) “Hợp đồng tập thể được ký kết trên tinh thần tự giác và hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa giám đốc xí nghiệp và Ban chấp hành công đoàn, sau khi đã đưa ra bàn bạc rộng rãi trong công nhân, viên chức”. Như thế, muốn ký kết hợp đồng tập thể thì giám đốc xí nghiệp và Ban chấp hành công đoàn trước hết phải có nhận thức đúng về lợi ích và sự cần thiết phải ký kết mà tự giác cùng nhau xây dựng và thực hiện hợp đồng tập thể. Hợp đồng tập thể do toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức trong xí nghiệp thực hiện, nên trước khi hai bên ký kết chính thức, phải đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong công nhân, viên chức để mọi người góp ý kiến và có trách nhiệm thực hiện sau khi hợp đồng đã được ký kết.

b) “Nội dung hợp đồng tập thể phải cụ thể, nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước và bảo đảm mọi quyền lợi của công nhân, viên chức đã được quy định trong luật lệ hiện hành”. Mục đích của hợp đồng tập thể là nhằm động viên mọi khả năng tiềm tàng của xí nghiệp, thi đua thực hiện kế hoạch tới mức cao nhất, nên những điều mà hai bên cam kết với nhau phải thật cụ thể và thiết thực. Nếu vấn đề nêu ra để thực hiện không cụ thể thì sẽ không có căn cứ phấn đấu, và không thể kiểm điểm kết quả sau khi đã thực hiện. Nội dung hợp đồng tập thể do giám đốc xí nghiệp và Ban chấp hành công đoàn không những cam kết với nhau đảm bảo việc thực hiện hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, mà còn cam kết với nhau đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng của công nhân, viên chức, chăm sóc đến đời sống của mọi người trong xí nghiệp.

c) Sau khi hợp đồng tập thể đã được đăng ký (do cấp có thẩm quyềt duyệt y), thì giám đốc và Ban chấp hành công đoàn đều có trách nhiệm thi hành những điều đã cam kết. Việc nêu trách nhiệm cho hai bên phải thực hiện những điều đã cam kết thành nguyên tắc, có nghĩa là sau khi hợp đồng tập thể đã được duyệt y, hai bên đều có trách nhiệm về pháp lý trong việc thực hiện hợp đồng.

Hợp đồng tập thể của một xí nghiệp phải phản ánh được dự hoạt động toàn diện của xí nghiệp. Nhưng do tình hình các xí nghiệp của ta còn có những điều kiện không giống nhau, đặc biệt đối với những xí nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh thì cũng có thể ký một số mặt, ví dụ: các chi tiêu về sản xuất, một số mặt, ví dụ: các chi tiêu về sản xuất, một vài chi tiêu chủ yếu về cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện đời sống. Song dù hợp đồng tập thể chỉ cam kết một số vấn đề cũng phải ký cả hai mặt: sản xuất và cải thiệt đời sống. Có như vậy mới làm cho công nhân, viên chức nhận thấy lợi ích của Nhà nước với lợi ích của công nhân là nhất trí mà phấn khởi thực hiện. (Trong khi thực hiện một số mặt như trên cần cố gắng tạo điều kiện để kỳ kế hoạch tới có thể ký được hợp đồng tập thể toàn diện).

2. Nội dung hợp đồng tập thể:

Những mục đích của nội dung hợp đồng tập thể phải căn cứ vào những quy định của bản điều lệ tạm thời mà thực hiện. Tuy vậy, Bộ thấy cần giải thích thêm một số vấn đề để khi thực hiện được thống nhất.

a) Về trách nhiệm của giám đốc, điều lệ tạm thời quy định: “Phấn đấu để thực hiện đúng kế hoạch, cung cấp đủ máy móc, dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu theo đúng kế hoạch Nhà nước, bảo đảm sản xuất liên tục”. Nói chung giám đốc có trách nhiệm phải đảm bảo đầy đủ máy móc, dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu để công nhân sản xuất được liên tục. Nhưng hiện nay, chúng ta đang ở bước đầu công nghiệp hóa còn có những khó khăn nhất định, nên Chính phủ quy định cho giám đốc cam kết “phấn đầu để cung cấp đủ máy móc; nguyên vật liệu…”nghĩa là giám đốc phải huy động hết khả năng của mình, cộng với sức sáng tạo của quần chúng cố gắng đến độ cao nhất để ghi vào hợp đồng mức phấn đấu. Tình hình máy móc, nguyên vật liệu, dụng cụ về tới sẽ còn có khó khăn, tuy vậy chúng ta cần mạnh dạn ký kết hợp đồng để làm cơ sở vận đồng quần chúng công nhân, viênchức cùng giám đốc giải quyết (kinh nghiệm vừa qua một số xí nghiệp đã ký kết hợp đồng tập thể trong khi xí nghiệp vẫn có khó khăn về nguyên vật liệu, nhưng sau khi ký kết đã phát động được quần chúng cùng giám đốc giải quyết có kết quả tốt).

Còn về phía công đoàn cần thấy rõ đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc giáo dục, động viên công nhân, viên chức nâng cao tinh thần tự lực cánh sinh phấn đấu cùng giám đốc giải quyết tốt vấn đề khó khăn về nguyên vật liệu, dụng cụ…chống tư tưởng chỉ biết đòi hỏi giám đốc cung cấp mà không thấy trách nhiệm của mình phải gánh vác cùng giám đốc xí nghiệp.

b) Đối với phong trào thi đua: Giám đốc phải cùng công đoàn tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua, tổ chức theo dõi, sơ kết, tổng kết thi đua và biểu dương, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích. Thi đua là phong trào của quần chúng, nhưng giám đốc muốn lãnh đạo sản xuất tốt phải cùng công đoàn tổ chức và chỉ đạo phong trào, cụ thể giám đốc cần xét duyệt kịp thời những chỉ tiêu thi đua của công nhân, giải quyết những khó khăn về biện pháp kỹ thuật và tạo mọi điều kiện để công nhân thực hiện được những chỉ tiêu ấy. Ngoài ra giám đốc cần giải quyết tốt các chính sách, chế độ, giải quyết kịp thời những khó khăn về kỹ thuật, về nguyên liệu, dụng cụ, máy móc…cũng là trực tiếp thúc đẩy phong trào thi đua phát triển.

Về phía công đoàn, trên cơ sở những chi tiêu đã ký kết trong hợp đồng tập thể, phải theo dõi, hướng dẫn phong trào một cách thật chặt chẽ. Cùng giám đốc giải quyết tốt những khó khăn trong quá trình sản xuất tạo cho công nhân đủ điều kiện thuận lợi thực hiện đầy đủ những chỉ tiêu đã ký kết.

c) Về nhiệm vụ nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ cho công nhân, viên chức: Việc bồi dưỡng chính trị, kỹ thuật nghiệp vụ và văn hóa cho quần chúng cũng do giám đốc và công đoàn cùng làm (theo Nghị quyết số 76-NQ-TƯ ngày 16-4-1963 của Ban Bí thư Trung ương Đảng).

Riêng về mặt bồi dưỡng kỹ thuật và nghiệp vụ theo chỉ tiêu của kế hoạch, giám đốc có trách nhiệm cung cấp trường sở, tài liệu, giảng viên và những điều kiện khác…đồng thời phải tạo điều kiện cho công nhân, viên chức học tập được liên tục, đảm bảo chương trình, đảm bảo chất lượng.

Công đoàn xí nghiệp chịu trách nhiệm về phong trào học tập, phải tổ chức, động viên quần chúng đi học đảm bảo chương trình với chất lượng cao (giám sát việc thực hiện chương trình và chất lượng học tập); chăm lo đến những hoạt động văn hóa quần chúng một các thiết thực (tránh hình thức bầy biện, tiêu tốn một các lãng phí) như văn nghệ, thể dục, thể thao, làm cho đời sống xí nghiệp được ngày càng vui tươi và phấn khởi.

Việc học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ và công tác văn hóa quần chúng phải có chương trình từng việc, định thời gian phải hoàn thành, ghi vào hợp đồng để phấn đấu cụ thể.

d) Về đời sống vật chất của công nhân, viên chức: Trong sản xuất đã đề ra những chỉ tiêu phấn đấu vượt mức kế hoạch, mặt khác, giám đốc phải cùng công đoàn bàn bạc đề ra những chỉ tiêu về cải thiện đời sống (dựa vào các chế độ, chính sách của Nhà nước và tính toán sử dụng quỹ xí nghiệp v .v… )

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ