Thông tư 22/2004/TT-BCA(V19) hướng dẫn thi hành Nghị định 163/2003/NĐ-CP quy định biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 22/2004/TT-BCA
Ngày ban hành 15/12/2004
Ngày có hiệu lực 12/01/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Thế Tiệm
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ CÔNG AN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2004/TT-BCA

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2004

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ CÔNG AN SỐ 22/2004/TT-BCA (V19) NGÀY 15 THÁNG 12 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 163/2003/NĐ-CP NGÀY 19/12/2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Ngày 19/12/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). Để thực hiện thống nhất Nghị định nêu trên của Chính phủ, Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định, cụ thể như sau:

I. VỀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP GIÁO DỤC TẠI CẤP XÃ

1. Việc áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã phải đúng đối tượng được quy định tại Điều 23 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Điều 3 của Nghị định số 163/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 của Chính phủ (sau đây gọi chung là Nghị định số 163) và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã phải là công dân Việt Nam có nơi cư trú nhất định, từ đủ 12 tuổi trở lên, có hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm:

a. Người từ đủ 12 tuổi đến 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý được quy định tại Bộ luật Hình sự;

b. Người từ đủ 12 tuổi trở lên nhiền lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, gây rối trật tự công cộng;

c. Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên;

d. Người bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 14 tuổi trở lên;

đ. Người có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây có từ 2 lần vi phạm trở lên trong thời hạn 12 tháng, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài;

- Xâm phạm tài sản của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài;

- Tổ chức, môi giới mại dâm;

- Chống người thi hành công vụ;

- Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

- Tổ chức cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;

- Các hành vi khác vi phạm về trật tự, an toàn xã hội;

e. Người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam.

3. Để bảo đảm việc xem xét lập hồ sơ, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã đối với từng đối tượng cụ thể theo đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 163, trong khi thực hiện cần chú ý một số điểm sau đây:

a. Về độ tuổi: Thời điểm để xác định độ tuổi của đối tượng quy định tại điểm 2 nêu trên là ngày đối tượng thực hiện lần cuối hành vi vi phạm. Riêng đối với trường hợp có hành vi phạm pháp luật thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam cần áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã, thì thời điểm để xác định độ tuổi là ngày ký quyết định giáo dục tại cấp xã. Căn cứ pháp lý để xác định độ tuổi là Giấy khai sinh, nếu không có Giấy khai sinh thì phải căn cứ vào sổ hộ khẩu hoặc Chứng minh nhân dân hoặc tài liệu do Công an cấp xã xác minh, thu thập.

b. Người thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự, phải được hiểu là những tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến bảy năm tù.

c. Người nhiều lần có hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm pháp luật có tính chất thường xuyên là có từ hai lần vi phạm pháp luật trở lên trong thời hạn 12 tháng.

d. Người có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, gây rối trật tự công cộng phải được hiểu là họ thực hiện những hành vi đó, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

đ. Người có nơi cư trú nhất định phải là người có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú có thời hạn tại một địa phương nhất định và thường xuyên làm ăn, sinh sống tại nơi đó.

4. Đối với các trường hợp do cơ quan Công an cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp phát hiện, thụ lý, điều tra trong các vụ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 163, thì đối tượng đó cũng phải có đủ các điều kiện quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 163 và hướng dẫn của Thông tư này.

5. Người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 163, bao gồm:

a. Người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, khi thực hiện lần cuối hành vi vi phạm pháp luật hoặc trường hợp trong thời gian lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, thì họ đã trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam, trong những trường hợp này không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, mà đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã (Chủ tịch Uỷ ban nhân dân) áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã đối với họ.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ