Thông tư 20-LĐ/TT năm 1960 hướng dẫn cách trả lương cho những công việc làm trong những điều kiện có hại đến sức khoẻ do Bộ Lao Động ban hành

Số hiệu 20-LĐ/TT
Ngày ban hành 01/08/1960
Ngày có hiệu lực 16/08/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 1960 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN CÁCH TRẢ LƯƠNG CHO NHỮNG CÔNG VIỆC LÀM TRONG NHỮNG ĐIỀU KIỆN CÓ HẠI ĐẾN SỨC KHOẺ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các Bộ quản lý xí nghiệp
- Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh
- Sở, Ty Lao động 
- Thủ tướng phủ
- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

 

Lần cải tiến tiền lương năm 1958 đã chủ trương bỏ các loại phụ cấp hao mòn sức khỏe cho vào mức lương cấp bậc. Chủ trương này hoàn toàn thích hợp nhưng về biện pháp cụ thể còn thiếu sót như chưa có mức lương riêng để áp dụng cho các nghề được phụ cấp hao mòn trước đây mà lương cấp bậc chưa giải quyết được. Vì vậy sau khi sắp xếp lương năm 1958 đã phải giải quyết cho một số nghề được hưởng phụ cấp hao mòn. Ngoài ra, trong khi thực hiện bỏ các khoản phụ cấp hao mòn tính gộp vào lương đã giải quyết nâng bậc khởi điểm lên cao hơn so với các nghề nghiệp khác (vì điều kiện lao động như: rèn, hàn v .v…) Biện pháp này xét ra chỉ giải quyết được cho những người xếp bậc khởi điểm, còn các bậc trên thì chưa giải quyết được, cũng như việc quy định cho một số nghề được phụ cấp hao mòn đã gây thắc mắc cho một số nghề nghiệp khác trước có phụ cấp hao mòn mà trong lần cải tiến lương năm 1958 đã bải bỏ.

Trong lần cải tiến chế độ tiền lương và tăng lương năm 1960, tiếp tục thi hành chủ trương bỏ các khoản phụ cấp hao mòn sức khỏe cũ, tính gộp, vào các mức lương trong các thang lương để áp dụng cho công nhân làm việc với điều kiện có hại đến sức khoẻ: như trực tiếp làm việc nơi nóng quá, lạnh quá, hoặc trực tiếp với các chất độc có hại đến sức khỏe. Do đó trong các thang lương có quy định mức lương khác nhau cho những người làm việc nơi nóng hoặc có hại và mức lương cho những người làm việc trong điều kiện bình thường. Chủ trương này nhằm quán triệt thêm một bước nguyên tắc phân phối theo lao động trong việc đãi ngộ vật chất đối với công nhân làm việc trong điều kiện lao động khó khăn. Vì vậy Thông tư số 13-LĐ/TT ngày 31-5-1960 của Bộ Lao động đã quy định: “Cùng một trình độ như nhau thì được xếp bậc ngang nhau, còn về hưởng thụ thì người làm ở nơi điều kiện có hại đến sức khỏe, nóng quá hoặc lạnh quá thì được hưởng mức lương cao hơn người làm việc ở nơi điều kiện bình thường …”

Xuất phát từ mục đích, yêu cầu nói trên, Bộ Lao động ra thông tư này nhằm quy định các nghề được hưởng mức lương định cho những công việc đặc biệt có hại đến sức khỏe và hướng dẫn cách trả lương trong các trường hợp cụ thể.

I. NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ XÉT NHỮNG CÔNG VIỆC ĐẶC BIỆT CÓ HẠI ĐẾN SỨC KHỎE

Được coi là những công việc đặc biệt có hại đến sức khỏe, những loại việc phải tiến hành trong những điều kiện sau đây:

1. Những công việc phải trực tiếp với chất độc có thể bị nhiễm độc, nhiễm trùng có hại nhiều đến sức khỏe.

2. Những công việc phải làm ở nơi bị sức ép của không khí với áp suất cao hoặc thiếu không khí mà chưa có trang bị phương tiện bảo hộ.

3. Những công việc phải làm ở nơi nóng quá hoặc lạnh quá có hại đến sức khỏe (không lệ thuộc vào nơi làm việc và thời tiết).

4. Làm việc ở những nơi có tiếng động rất mạnh và làm những công việc có gây ra sức rung chuyển rất mạnh liên tiếp với tần số cao.

5. Những công việc phải ngâm mình dưới nước hoặc dùng dây để treo mình trên cao để làm việc.

Ngoài ra, những nghề nghiệp trực tiếp làm chất nổ nguy hiểm chết người thì chủ yếu giải quyết bằng biện pháp bảo hộ lao động và những nghề nặng nề, vất vả thì đã tính trong mức lương chung nên không áp dụng mức lương cho những công việc đặc biệt có hại đến sức khỏe.

II. PHƯƠNG PHÁP TÍNH VÀ TRẢ LƯƠNG CHO NHỮNG CÔNG VIỆC ĐẶC BIỆT CÓ HẠI ĐẾN SỨC KHỎE

1. Những công nhân trực tiếp làm việc ở một trong năm điều kiện nói trên ngày nào thì được hưởng mức lương này ngày ấy. Còn những ngày làm việc ở nơi điều kiện bình thường thì hưởng mức lương bình thường.

2. Làm việc từ 2 giờ đến 5 giờ được tính nửa ngày; làm việc trên 5 giờ được hưởng cả ngày. Còn làm việc dưới 2 giờ trong một ngày thì không được hưởng mức lương này.

3. Cách tính toán cụ thể để hưởng lương ngày sẽ có văn bản quy định riêng.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Trừ nghị định Liên bộ Thủy lợi – Giao thông và Bưu điện – Tài chính – Lao động số 674-NĐ/LB ngày 23-4-1957 quy định phụ cấp cho thợ lặn vẫn còn hiệu lực và tiếp tục thi hành như cũ, các văn bản quy định về phụ cấp hao mòn sức khỏe bằng tiền của các Bộ , các ngành ban hành trước ngày ký thông tư này đều bãi bỏ, mà thống nhất thi hành theo thông tư này.

Những nghề trước đây đã có phụ cấp hao mòn sức khỏe hoặc đã nâng bậc khởi điểm lên cao hơn một bậc thì:

a) Nếu xét còn trong đối tượng được hưởng mức lương định cho những công việc có hại đến sức khỏe, thì được hưởng theo mức lương này kể từ ngày ban hành thông tư, không đặt vấn đề truy lĩnh hoặc truy hoàn kể từ ngày 01-5-1960 so với mức phụ cấp hao mòn cũ. Còn về truy lĩnh lương cấp bậc thì lấy mức lương bình thường của bậc được xếp hiện nay so với mức lương của cấp bậc cũ mà tính toán cho truy lĩnh (nếu có).

b) Nếu xét không được hưởng mức lương định cho những công việc có hại đến sức khỏe, theo lương mới nữa, thì hưởng theo mức lương bình thường của cấp bậc được xếp và không được bảo lưu mức phụ cấp hao mòn cũ, cũng không phải truy hoàn số tiền được phụ cấp hao mòn từ 01-5-1960 đến ban hành thông tư này.

c) Những nghề trước đây chỉ hưởng mức lương bình thường, không có phụ cấp hao mòn sức khỏe, nay được hưởng mức lương định cho những công việc có hại đến sức khỏe thì được tính và truy lĩnh kể từ ngày 01-5-1960 theo mức lương này.

Sau khi đã trao đổi với các Bộ, Bộ Lao động quy định các nghề được hưởng mức lương định cho những công việc có hại đến sức khỏe kèm theo thông tư này. Ngoài ra các Bộ, các ngành và Ủy ban hành chính địa phương xét còn nghề nào cần được hưởng mức lương này mà trong bản danh sách kèm theo chưa quy định, sẽ đề nghị thêm, sau khi được Bộ Lao động đồng ý mới được thi hành.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
 
 

 
Nguyễn Văn Tạo

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ