Thông tư 199/2010/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 199/2010/TT-BTC
Ngày ban hành 13/12/2010
Ngày có hiệu lực 27/01/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 199/2010/TT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN VỆ SINH VÀ THÚ Y THỦY SẢN

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002;
Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm; một số Điều của Pháp lệnh thú y, Pháp lệnh giống vật nuôi, Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 3416/BNN-TC ngày 21/10/2010, Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản như sau:

Điều 1. Biểu mức thu phí, lệ phí

Ban hành kèm theo Thông tư này Biểu phí, lệ phí trong công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh, thú y thủy sản, bao gồm:

1. Phụ lục 1 – Lệ phí về công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thủy sản;

2. Phụ lục 2 – Lệ phí về công tác thú y thủy sản;

3. Phụ lục 3 – Phí về công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thủy sản;

4. Phụ lục 4 – Phí về công tác thú y thủy sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản và các sản phẩm thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ nội địa; sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nghiệp vụ quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh thú y thủy sản theo quy định của pháp luật phải nộp phí, lệ phí theo mức thu quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Phí, lệ phí quản lý nhà nước chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản thu bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu nộp phí, lệ phí bằng ngoại tệ thì thu bằng đô la Mỹ (USD) theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu tiền.

Điều 3. Thu, nộp phí, lệ phí

Cơ quan quản lý nhà nước về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (gồm Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản, các đơn vị trực thuộc và cơ quan quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản tại địa phương) thực hiện các công việc nêu tại Điều 2 Quyết định này có nhiệm vụ tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này (dưới đây gọi là cơ quan thu phí, lệ phí).

Điều 4. Quản lý sử dụng phí, lệ phí

Phí, lệ phí về công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý sử dụng như sau:

1. Cơ quan thu phí, lệ phí được để lại 85% tổng số tiền thu về phí, lệ phí thực thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí theo quy định cụ thể như sau:

a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công theo chế độ hiện hành (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước);

b) Chi bảo hộ lao động hoặc đồng phục, trang phục cho người lao động theo chế độ quy định;

c) Chi các khoản đóng góp theo quy định đối với người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn;

d) Chi thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc phục vụ công tác thu phí, lệ phí;

đ) Chi sửa chữa thường xuyên nhà cửa, phương tiện, máy móc thiết bị văn phòng phục vụ công tác kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản;

e) Chi khác phục vụ trực tiếp công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản;

g) Chi mua biên lai, ấn chỉ, nguyên, nhiên vật liệu, hóa chất, công cụ, dụng cụ, máy móc, thiết bị vật tư phục vụ trực tiếp công tác thu phí, lệ phí;

h) Chi sửa chữa lớn tài sản, máy móc thiết bị, phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác thu phí, lệ phí;

i) Chi thuê trụ sở, thuê chuyên gia kỹ thuật, công nhân kỹ thuật và máy móc thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thu phí, lệ phí (nếu có);

k) Chi hội nghị, hội thảo, đào tạo ngắn hạn, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, thực nghiệm phương pháp kỹ thuật phục vụ công tác kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y thủy sản và công tác thu phí, lệ phí;

l) Chi hoạt động đối ngoại phục vụ trực tiếp công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y thủy sản như mua tài liệu kỹ thuật, tiếp chuyên gia nước ngoài vào kiểm tra công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thủy sản tại Việt Nam; Chi phí cử cán bộ, chuyên viên đi làm việc với các đối tác nước ngoài theo mức quy định hiện hành;

[...]