Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 1864-UB-TC-1964 hướng dẫn Thông tư 75-TTg-TN-1964 về cách hạch toán đối với một số khoản chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của xí nghiệp do Ủy ban kế hoạch Nhà nước ban hành

Số hiệu 1864-UB-TC
Ngày ban hành 12/12/1964
Ngày có hiệu lực 27/12/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
Người ký Lê Viết Lượng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán

UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1864-UB-TC

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 1964 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 75-TTG-TN NGÀY 30-7-1964 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CÁCH HẠCH TOÁN ĐỐI VỚI MỘT SỐ KHOẢN CHI PHÍ PHÁT SINH TRONG QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA XÍ NGHIỆP

 Kính gửi:

 

- Ông Bộ trưởng các Bộ,
- Ông Tổng cục trưởng các Tổng cục;
- Ông Chủ nhiệm các Ủy ban Nhà nước,
- Ông Chủ tịch Ủy ban hành chính và
- Ông Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch các khu, thành, tỉnh,

Tiếp theo thông tư số 191-UB-TC ngày 19-12-1963, để bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh và đầy đủ thông tư số 115TTg ngày 12-12-1963 và thông bổ sung số 75-TTg-TN ngày 30-07-1964 của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể cách hạch toán đối với một số khoản chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của xí nghiệp, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ra thông tư này giải thích và hướng dẫn thi hành các văn bản nói trên.

Để cho việc hạch toán giá thành và phí lưu thông đi dần vào nề nếp; các chi phí không trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp không được hạch toán vào giá thành và phí lưu thông mà do các nguồn vốn khác đài thọ (ngân sách Nhà nước, quỹ xí nghiệp, quỹ công đoàn,…).

Việc sử dụng các quỹ này phải theo đúng chức năng của từng quỹ thì việc quản lý tài chính mới được chặt chẽ.

Do đó, đối với một số khoản chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của xí nghiệp, cần phân biệt do nguồn vốn nào chi.

1. Chi về lương của cán bộ chuyên trách làm công tác văn hóa quần chúng, cán bộ chuyên trách thể dục thể thao, giáo viên chuyên trách bổ túc văn hóa, xét về tính chất hoạt động của các cán bộ này, nay quy định là quỹ công đoàn chi về lương và Tổng công đoàn thống nhất quy định và xét duyệt biên chế loại cán bộ này.

Đối với giáo viên chuyên trách bổ túc văn hóa, thông tư số 115-TTg đã quy định rõ khoản chi về lương của cán bộ này do quỹ Công đoàn chi, thực hiện như thông tri số 65-TT-10 ngày 20-11-1964 của Tổng công đoàn.

Thông tư số 75-TTg-TN đã nêu rõ là nếu do phải chi thêm lương cho loại cán bộ chuyên trách nói trên mà quỹ Công đoàn thiếu thì xin Chính phủ trợ cấp thêm, sau khi xét tình hình sử dụng quỹ công đoàn, do vậy từ nay tổng công đoàn có trách nhiệm giải quyết kịp thời tiền lương hàng tháng cho anh chị em.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định, tạm thời năm 1964, lương của cán bộ này do ngân sách Nhà nước chi. Tổng công đoàn sẽ có dự trù kinh phí để Bộ Tài chính xét cấp.

Từ năm 1965, khoản chi trên sẽ gộp vào tiền trợ cấp của Nhà nước mà Tổng công đoàn đề nghị hàng năm để Bộ Tài chính xét và trình Chính phủ duyệt.

2. Chi về hoạt động văn hóa quần chúng và thể dục thể thao.

Hoạt động văn hóa quần chúng, thể dục thể thao, phải giữ đúng tính chất nghiệp dư, nhưng để cho phong trào được duy trì bình thường, cần dành một số thời gian nhất định lấy trong giờ sản xuất để cho các đội hoạt động văn hóa quần chúng, thể dục thể thao luyện tập.

Số thời gian cần thiết này sẽ do Liên Bộ Lao động, Văn hóa, Ủy ban Thể dục thể thao, Tổng công đoàn cùng Bộ chủ quản xí nghiệp quy định.

Trong phạm vi thời gian được quy định các chi phí về luyện tập văn hóa quần chúng, thể dục thể thao, tại xí nghiệp giải quyết như sau:

- Tiền lương do xí nghiệp chịu và hạch toán vào giá thành và phí lưu thông;

- Các chi phí khác: theo tiêu chuẩn Tổng công đoàn quy định hoặc được Tổng công đoàn xét duyệt, thì do quỹ Công đoàn đài thọ.

Trong thời gian đi biểu diễn và thi đấu, thi hành đúng quy định trong thông tư số 115-TTg nghĩa là: nếu Công đoàn tổ chức thì quỹ Công đoàn chi; nếu cơ quan Nhà nước tổ chức thì cơ quan nào tổ chức cơ quan đó đài thọ mọi chi phí (lương, tiền tàu xe, tiền đi đường, tiền bồi dưỡng và các phí tổn khác).

Nếu cần luyện tập thêm ngoài thời gian quy định nói trên để chuẩn bị thi đấu, đi biểu diễn theo chương trình của tỉnh, khu hay toàn quốc và theo kế hoạch của Bộ văn hóa hoặc của Ủy ban Thể dục thể thao trung ương (kế hoạch cần ghi rõ thời gian cho phép luyện tập thêm lấy trong giờ sản xuất) thì mọi chi phí kể cả lương và tiền bồi dưởng phải giải quyết như sau:

- Xí nghiệp nào có quỹ xí nghiệp thì quỹ xí nghiệp đài thọ;

- Nếu không có quỹ xí nghiệp hoặc quỹ xí nghiệp thiếu thì đề nghị cơ quan nào tổ chức cơ quan ấy đài thọ hoặc cấp thêm.

Tạm thời trong năm 1964, Ủy ban Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Tổng công đoàn có thể tổ chức các cuộc thi đấu, biểu diễn văn nghệ thì lập dự trù kinh phí để Bộ Tài chính xét cấp. Từ năm 1965, các cơ quan này cần nắm tình hình quỹ xí nghiệp của các đơn vị thường tham dự biểu diễn và thi đấu rồi dự trù kinh phí sự nghiệp xin ngân sách cấp hàng năm.

Về đi học các lớp ngắn ngày, đi họp về văn hóa quần chúng, thể dục thể thao, bổ túc văn hóa thì giải quyết như sau:

- Nếu là cán bộ chuyên trách đi học, đi họp thì mọi chi phí do quỹ Công đoàn chi;

- Nếu là cán bộ, công nhân viên chức khác đi học, đi họp thì mọi chi phí (kể cả tiền lương trong thời gian đi học) do quỹ xí nghiệp đài thọ, nơi nào không có quỹ xí nghiệp thì cơ quan nào tổ chức cơ quan đó đài thọ.

3. Chi về bảo hiểm xã hội.

Việc trích quỹ bảo hiểm xã hội phải theo tỉ lệ % (phần trăm) quỹ tiền lương như quyết định số 62-CP ngày 10-4-1964 của Hội đồng Chính phủ nghĩa là trích 3,7% so với tổng quỹ lương giao cho Tổng công đoàn quản lý và 1% so với quỹ lương giao cho Bộ Nội vụ quản lý.

[...]