Thông tư 191-UB-TT-TC năm 1963 hướng dẫn điều lệ tạm thời và thông tư bổ sung của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch, hạch toán, thống kê giá thành và phí lưu thông đối với các ngành kinh tế quốc doanh do Ủy ban kế hoạch Nhà nước ban hành

Số hiệu 191-UB-TT-TC
Ngày ban hành 19/12/1963
Ngày có hiệu lực 03/01/1964
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
Người ký Lê Viết Lượng
Lĩnh vực Thương mại,Kế toán - Kiểm toán

UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 191-UB-TT-TC

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1963 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VÀ THÔNG TƯ BỔ SUNG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC LẬP KẾ HOẠCH, HẠCH TOÁN VÀ THỐNG KÊ GIÁ THÀNH VÀ PHÍ LƯU THÔNG ĐỐI VỚI CÁC NGÀNH KINH TẾ QUỐC DOANH

 Kính gửi:

 

- Ông bộ trưởng các Bộ,
- Ông Tổng Cục trưởng các Tổng cục
- Ông Chủ nhiệm các Ủy ban Nhà nước
- Ông Chủ tịch các Ủy ban hành chính 
- Ông Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch các khu, tỉnh, thành.

Tiếp theo Nghị định 43-CP ngày 16 tháng 9 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về lập kế hoạch hạch toán và thống kê giá thành và phí lưu thông, ngày 12 tháng 12 năm 1963, Thủ tướng Chính phủ đã ra Thông tư số 115-TTg quy định cụ thể cách hạch toán đối với một số khoản chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của xí nghiệp, Ủy ban kế hoạch Nhà nước ra thông tư này nhằm giải thích và hướng dẫn thi hành các văn bản nói trên.

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA.

Trong nhiệm vụ tăng cường và cải tiến công tác kế hoạch hóa, nâng cao chất lượng của kế hoạch kinh tế quốc dân, nhằm tăng cường công tác giá thành và phí lưu thông có ý nghĩa rất quan trọng.

Giá thành là một chỉ tiêu chất lượng tổng hợp phản ảnh toàn bộ hoạt động của xí nghiệp.

Mức độ và tỷ lệ giảm giá thành và phí lưu thông biểu thị thành tích về tổ chức sản xuất và quản lý của xí nghiệp, biểu thị hiệu quả kinh tế của các biện pháp áp dụng kỹ thuật, biểu thị mức độ tiết kiệm vật tư và lao động xã hội. Hạ giá thành và giảm phí lưu thông có ý nghĩa rất lớn đối với việc củng cố chế độ hạch toán kinh tế, nâng cao tích lũy xã hội chủ nghĩa và cải thiện đời sống nhân dân.

Việc kế hoạch hóa giá thành và hạch toán chi phí sản xuất của xí nghiệp để sản xuất ra sản phẩm là căn cứ vào cơ sở khoa học của nó, đồng thời phải chiếu cố đến trình độ quản lý của xí nghiệp hiện nay.

Những quy định trong điều lệ tạm thời và thông tư của Thủ tướng Chính phủ là những căn cứ để các ngành, các xí nghiệp tiến hành lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành và phí lưu thông đúng với ý nghĩa và mục đích nói trên.

Mấy năm qua, việc thi hành các quy định của Nhà nước về lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành phí lưu thông bước đầu đã có tác dụng nhất định, công tác quản lý giá thành đã góp phần cũng cố chế độ hạch toán kinh tế, làm cơ sở cho việc định giá cả và tăng thu nhập của ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, việc thi hành các quy định nói trên còn có nhiều nhược điểm và khuyết điểm mà thông tư của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ cần có biện pháp cụ thể để khắc phục.

Về mặt chế độ, nhiều chính sách của Nhà nước ban hành có liên quan đến chỉ tiêu giá thành chưa được quy định cụ thể, nhiều khoản chi phí mà nội dung khó phân biệt chưa quy định là do nguồn vốn nào chịu, xí nghiệp cứ hạch toán vào giá thành; do đó giá thành còn bao gồm nhiều khoản chi phí không trực tiếp liên quan đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và lưu chuyển hàng hóa.

Để khắc phục tình trạng trên, phát huy tác dụng của chỉ tiêu giá thành, một đòn bẩy kinh tế quan trọng mà Nhà nước xã hội chủ nghĩa dùng để tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh doanh của xí nghiệp, các ngành, các xí nghiệp cần phải quán triệt và thực hiện tốt những quy định của Nhà nước về hạch toán và thống kê giá thành và phí lưu thông đưa công tác quản lý giá thành và phí lưu thông dần đi vào nề nếp, làm cho chỉ tiêu giá thành được ổn định, phản ánh trung thực mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp.

II. NGUYÊN TẮC VỀ TÍNH GIÁ THÀNH VÀ PHÍ LƯU THÔNG

Về nguyên tắc tính giá thành và phí lưu thông, điều 7 của điều lệ tạm thời và thông tư của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: "Giá thành và phí lưu thông chỉ bao gồm những chi phí liên quan đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và lưu chuyển hàng hóa. Các chi phí không trực tiếp liên quan đến sản xuất thì không hạch toán vào giá thành và phí lưu thông mà do nguồn vốn khác đài thọ (ngân sách Nhà nước, quỹ xí nghiêp, quỹ công đoàn vv…)".

Căn cứ vào những nguyên tắc cơ bản nói trên, những khoản chi phí sau đây không được tính vào giá thành và phí lưu thông:

1. Những chi phí cho những công việc không có tính chất sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, những chi phí cho công việc không có tính chất vận tải, xây lắp và lưu chuyển hàng hóa thì không được tính vào giá thành sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, giá thành vận tải, xây lắp và phí lưu thông hàng hóa. Cụ thể:

a) Đối với giá thành sản phẩm công nghiệp bao gồm các chi phí không có tính chất sản xuất công nghiệp như:

- Chi phí về những công việc xây dựng cơ bản (kể cả những công việc xây dựng cơ bản do công nhân sản xuất của xí nghiệp làm);

- Chi phí về sửa chữa lớn các nhà cửa, công trình kiến trúc, công trình phúc lợi tập thể (nhà bảo tàng, câu lạc bộ, nhà nghỉ mát, nhà ở công cộng…);

- Chi phí về những công việc vận tải cho cơ quan bên ngoài, vận tải cho ngành xây dựng cơ bản trong xí nghiệp;

- Chi phí về những công việc nghiên cứu, thí nghiệm, thiết kế cho cơ quan bên ngoài.

Những chi phí nói trên do vốn kiến thiết cơ bản, vốn sửa chữa lớn hoặc do cơ quan bên ngoài đặt làm chịu.

Những chi phí về các sản phẩm không tính vào giá trị sản lượng công nghiệp, những chi phí về các sản phẩm không tính vào giá trị sản lượng thương phẩm thì không được tính vào giá thành (thế nào là những công việc không có tính chất công nghiệp, những sản phẩm không được tính vào giá trị sản lượng công nghiệp và sản lượng thương phẩm thì căn cứ theo quy định của Tổng cục Thống kê (chế độ thống kê công nghiệp).

Những chi phí để sản xuất ra những sản phẩm chu chuyển trong nội bộ xí nghiệp, như các phụ tùng thay thế, dụng cụ chế tạo, bán thành phẩm do xí nghiệp tự sản xuất ra rồi lại dùng cho nhu cầu sản xuất công nghiệp hoặc cho các nhu cầu khác của mình thì tùy theo từng trường hợp mà giải quyết như sau:

Những sản phẩm nói trên nếu dùng để sản xuất ra sản phẩm chính thì những chi phí về nó được tính vào giá thành sản phẩm chính của xí nghiệp. Nếu dùng những sản phẩm đó vào việc xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn các thiết bị, nhà cửa, công trình kiến trúc, v.v… thì coi như thương phẩm và phải tính giá thành. Nếu những sản phẩm đó đưa vào kho dự trữ vật tư của xí nghiệp thì do vốn lưu động của xí nghiệp chi, chứng nào xuất kho dùng vào sản xuất ra những sản phẩm chính hay cho xây dựng cơ bản, cho sửa chữa lớn vv.. thì giải quyết như trên.

b) Trong giá thành sản phẩm nông nghiệp của các nông trường quốc doanh không được tính các chi phí:

[...]