BỘ
CÔNG AN
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
184-P3
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 03 năm 1965
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 150-CP NGÀY 02-10-1964 CỦA HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG MINH
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Hội đồng Chính phủ đã ban hành
Nghị định số 150-CP ngày 02-10-1964 về việc cấp giấy chứng minh, thay thế cho
Nghị định số 577-TTg ngày 27-11-1957. Trong thông tư này, Bộ nói rõ thêm một số
điểm cần thiết và hướng dẫn cụ thể việc thi hành Nghị định nói trên.
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA VIỆC BAN
HÀNH NGHỊ ĐỊNH
Thi hành Nghị định số 577-TTg
ngày 27-11-1957 của Hội đồng Chính phủ về việc cấp giấy chứng minh, từ đầu năm
1958 cơ quan Công an đã tổ chức cấp phát giấy chứng minh cho nhân dân ở các
thành phố, thị xã, thị trấn và cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước.
Trong 6 năm qua việc cấp giấy chứng
minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc giao dịch và góp phần
giữ gìn trật tự trị an xã hội. Tuy nhiên, trước yêu cầu về giao dịch và đi lại
của nhân dân, ở thành thị cũng như ở nông thôn ngày càng phát triển, phạm vi cấp
phát và giá trị sử dụng của giấy chứng minh cũ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nói
trên.
Do đó, Hội đồng Chính phủ đã ban
hành Nghị định số 150-CP ngày 02-10-1964 thay thế Nghị định số 577-TTg ngày
27-11-1957 về việc cấp giấy chứng minh, nhằm:
1. Thống nhất trong toàn
quốc một loại giấy chứng thực căn cước công dân do cơ quan Công an cấp
phát. (Trừ quân nhân và Công an nhân dân vũ trang tại ngũ có giấy chứng minh
riêng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định).
2. Làm chứng từ trong việc
giao dịch hàng ngày giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với các tổ chức tập thể,
với các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.
3. Sẽ thay thế dần việc cấp
giấy thông hành tiến tới bỏ hẳn giấy thông hành, để việc đi lại của nhân dân được
thuận tiện.
II. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA NGHỊ
ĐỊNH
1. Về đối
tượng cấp giấy chứng minh
Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng
hòa từ 18 tuổi tròn trở lên đều được cấp giấy chứng minh.
Cách tính 18 tuổi tròn như sau:
Ví dụ anh Nguyễn Văn A sinh ngày 10 tháng 03 năm 1947, thì đến ngày 10 tháng 03
năm 1965 mới đủ tuổi được cấp giấy chứng minh.
Những người bị mất trí, những
người đang bị giam giữ, đang bị quản chế đều không được cấp giấy chứng minh.
2. Về
nguyên tắc, thủ tục xin cấp giấy chứng minh.
Cán bộ, công nhân, viên chức Nhà
nước và nhân dân đã được đăng ký nhân khẩu thường trú (hộ tập thể hay hộ
nhân dân) ở địa phương này do Sở, Ty Công an địa phương đó cấp giấy chứng minh.
Người xin cấp giấy chứng minh phải
theo đúng những thủ tục sau đây:
a) Tự kê khai đầy đủ những điểm
quy định theo mẫu in sẵn. Nộp lại giấy chứng minh cũ, nếu có.
b) Mỗi người nộp 3 ảnh cỡ 3 x 4
chụp nửa người với 3/4 phía mặt bên phải, đầu để trần.
c) Nội tiền in giấy tờ.
3. Những
trường hợp phải xin đổi giấy chứng minh.
a) Người được cấp giấy chứng
minh khi có sự thay đổi, họ tên, ngày, tháng, năm sinh, thay đổi tình trạng hôn
nhân (vợ hoặc chồng chết hay ly dị, hay lấy vợ khác, chồng khác) phải mang giấy
chứng minh đến cơ quan Công an huyện, Công an thị xã, Công an khu phố, Công an
thành phố trực thuộc tỉnh nơi mình thường trú xin đổi giấy chứng minh khác và
phải mang theo giấy cho phép thay đổi họ tên, ngày, tháng, năm sinh của Ủy ban
hành chính tỉnh, thành hoặc giấy đăng ký kết hôn.
b) Những người có giấy chứng
minh bị hư, nát, rách mất chữ, hoặc bị mờ trông không rõ… cũng phải đến cơ quan
Công an nơi mình thường trú nộp giấy chứng minh bị hỏng và làm thủ tục xin đổi
giấy chứng minh khác.
c) Người bị mất giấy chứng minh
phải báo ngay cho cơ quan Công an hoặc Ủy ban hành chính nơi bị mất và nơi mình
thường trú. Sau một thời gian nhất định, nếu không tìm được sẽ đến cơ quan Công
an nơi mình thường trú, làm thủ tục xin cấp giấy chứng minh khác.
4. Những
trường hợp phải xin chứng nhận vào giấy chứng minh.
a) Người có giấy chứng minh, khi
thay đổi chỗ ở theo đúng thủ tục về di chuyển hộ khẩu phải mang giấy chứng minh
đến cơ quan Công an hay Ủy ban hành chính xã nơi ở mới để ghi sự thay đổi ấy
vào giấy chứng minh.
b) Trường hợp thay đổi nghề nghiệp,
thay đổi cơ quan công tác hoặc thôi việc ra ngoài biên chế Nhà nước phải mang
giấy chứng minh và các giấy tờ chứng nhận về việc thay đổi đến cơ quan Công an
huyện, Công an thị xã, Công an khu phố, Công an thành phố trực thuộc tỉnh nơi
mình thường trú, để ghi sự thay đổi ấy vào giấy chứng minh. Thời hạn chậm nhất
là sau 15 ngày người có giấy chứng minh phải đến các cơ quan đã quy định ở trên
để xin chứng nhận vào giấy chứng minh.
5. Những
trường hợp phải nộp lại giấy chứng minh.
a) Cán bộ, công nhân, viên chức
trong biên chế Nhà nước, sinh viên, học sinh được cử ra nước ngoài công tác, học
tập dưới một năm trước khi đi phải nộp lại giấy chứng minh cho cơ quan, xí nghiệp,
trường học…, nơi mình công tác, học tập cất giữ. Nếu ở nước ngoài từ một năm trở
lên thì giao cho Sở, Ty Công an.
b) Những người được phép đi ra
nước ngoài về việc tư như thăm viếng bà con, tham quan, nghỉ mát… trước khi đi
phải nộp lại giấy chứng minh cho Sở, Ty Công an.
c) Những người được tuyển vào
quân đội thường trực, (kể cả công an nhân dân vũ trang), trước khi đi phải nộp
lại giấy chứng minh cho cơ quan Công an huyện, Công an thị xã, Công an khu phố,
Công an thành phố trực thuộc tỉnh để chuyển lên Sở, Ty Công an.
d) Những người được phép ra quốc
tịch Việt Nam, hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam, sau khi có quyết định của các
cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, phải nộp lại giấy chứng minh cho Sở, Ty Công
an.
đ) Những người bị án quản chế phải
nộp lại giấy chứng minh cho cơ quan Công an hoặc Ủy ban hành chính xã nơi mình
thường trú, sau khi quyết định quản chế được công bố Ủy ban hành chính xã hoặc
cơ quan Công an cấp dưới phải chuyển giấy chứng minh ấy lên sở, Ty Công an. Khi
hết hạn quản chế đương sự phải đến Sở, Ty Công an xuất trình quyết định giải quản
để xin nhận lại giấy chứng minh của mình.
e) Những người bị bắt mà có lệnh
tạm giam thì Ban Giám thị có trách nhiệm thu giấy chứng minh của người bị bắt
và giao cho Sở, Ty Công an. Khi được tha, đương sự phải đến Sở, Ty Công an xuất
trình lệnh tha để xin nhận lại giấy chứng minh của mình.
g) Người đã được cấp giấy chứng
minh, nay bị chết hoặc mất trí xét không thể chữa khỏi, thì thân nhân hoặc cơ
quan có trách nhiệm đối với người đó, phải thu hồi giấy chứng minh của họ nộp lại
cho cơ quan Công an hoặc Ủy ban hành chính xã nơi họ thường trú. Ủy ban hành
chính xã hoặc cơ quan Công an cấp dưới phải chuyển giấy chứng minh ấy lên Sở,
Ty Công an.
6. Việc dùng
giấy chứng minh thay giấy thông hành để đi lại.
Như trên đã nói: Giấy chứng minh
có giá trị thay giấy thông hành để đi lại. Nhưng hiện nay còn nhiều người chưa
có giấy chứng minh, nhất là các vùng nông thôn. Việc tổ chức cấp phát giấy chứng
minh của các sở, Ty Công an không thể làm xong trong một thời gian ngắn. Do đó,
từ đầu năm 1965 cho đến khi hoàn thành công tác cấp phát giấy chứng minh trong
toàn quốc, việc đi lại phải có một trong hai loại giấy tờ sau đây:
a) Giấy chứng minh do Sở, Ty
Công an cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước và nhân dân và giấy chứng
minh riêng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cấp cho quân nhân và công an nhân
dân vũ trang tại ngũ.
b) Giấy thông hành do cơ quan
Công an các cấp cấp phát.
Giá trị đi lại của từng loại giấy
tờ như sau:
Giấy chứng minh:
Cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước và nhân dân đã được các Sở, Ty Công
an cấp giấy chứng minh khi cần đi lại chỉ đem theo giấy chứng minh là đủ không
phải xin giấy thông hành nữa. Giấy chứng minh riêng của Bộ Quốc phòng và Bộ
Công an cấp cho quân nhân và công an nhân dân vũ trang tại ngũ cũng có
giá trị như giấy chứng minh của các sở, Ty Công an cấp nói trên.
Giấy thông hành:
– Khác hẳn giấy chứng minh, giấy thông hành chỉ có giá trị đi lại những địa
điểm đã ghi trong giấy.
Nơi nào chưa cấp phát giấy chứng
minh, nhân dân cần đi ra khỏi địa phương mình ở vẫn phải dùng giấy thông hành.
Nơi nào đã cấp giấy chứng minh, nói chung không cấp giấy thông hành nữa. Riêng
việc qua lại ở vùng biên giới, giới tuyến (Vĩnh Linh), bờ biển cần phải có giấy
phép theo thể lệ quy định.
Công tác cấp giấy chứng minh lần
này rất quan trọng, diện cấp phát rộng hơn trước, liên quan đến sinh hoạt, công
tác của đông đảo cán bộ và nhân dân. Do đó, các Sở, Ty Công an cần nghiên cứu kỹ
thông tư này và dựa vào kế hoạch Bộ hướng dẫn, vạch kế hoạch cho địa phương
mình một cách cụ thể, tỉ mỉ, có từng bước, có trọng điểm và dưới sự chỉ đạo trực
tiếp của Ủy ban hành chính cần hết sức tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân, bảo đảm
cho công tác cấp phát giấy chứng minh được tiến hành thuận lợi, chính xác, chấp
hành nghiêm chỉnh Nghị định số 150-CP của Hội đồng Chính phủ.
|
K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Lê Quốc Thân
|