Thông tư 17/LĐTBXH-TT-1996 hướng dẫn chính sách đối với người lao động khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần theo Nghị định 28/CP-1996 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 17/LĐTBXH-TT
Ngày ban hành 07/09/1996
Ngày có hiệu lực 07/09/1996
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Trần Đình Hoan
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/LĐTBXH-TT

Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 1996

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 17/LĐTBXH - TT NGÀY 7 THÁNG 9 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI CHUYỂN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 28/CP NGÀY 7/5/1996 CỦA CHÍNH PHỦ.

Thi hành Nghị định số 28/CP ngày 7 tháng 5 năm 1996 của Chính phủ về chuyển một số doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần;

Sau khi trao đổi ý kiến với ban chỉ đạo Trung ương cổ phần hoá và các Bộ, Ngành liên quan, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn về chính sách đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước được quyết định cổ phần hoá theo quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 7/5/1996 của Chính phủ, cụ thể như sau:

I. LAO ĐỘNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP TRƯỚC KHI CỔ PHẦN HOÁ.

Khi tiến hành xây dựng phương án cổ phần hoá, Ban cổ phần hoá tại doanh nghiệp phối hợp với giám đốc doanh nghiệp lập phương án về lao động và giải quyết chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án được lập theo nội dung sau:

1. Lập danh sách số lao động hiện có trong doanh nghiệp.

Giám đốc doanh nghiệp lập danh sách số lao động hiện có trong doanh nghiệp tại thời điểm có quyết định tiến hành cổ phần hoá (kể cả số lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 năm; hợp đồng lao động theo thời vụ, theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm).

2. Phân loại số lao động theo danh sách trên thành các nhóm sau:

a- Số lao động thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bao gồm:

- Số lao động thuộc diện nghỉ hưu theo chế độ hưu chí,

- Số lao động đang nghỉ theo 3 chế độ bảo hiểm xã hội (ốm đau; thai sản; tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp).

b- Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại thời điểm cổ phần hoá;

c- Số lao động sẽ chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần, bao gồm:

- Số lao động còn hạn hợp đồng lao động,

- Số lao động đang nghỉ ba chế độ bảo hiểm xã hội mà hợp đồng lao động còn thời hạn,

- Số lao động đang trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

3. Giải quyết quyền lợi đối với người lao động:

a- Đối với lao động thuộc diện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (theo điểm 2.a mục I) thì giám đốc doanh nghiệp và cơ quan Bảo hiểm xã hội, nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định tại Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ và Thông tư số 6/LĐTBXH - TT ngày 04/04/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b- Đối với các trường hợp thôi việc theo điểm 2,b mục I thì:

- Giám đốc doanh nghiệp làm đầy đủ thủ tục để cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ và Thông tư số 06/LĐTBXH-TT ngày 04/04/1995 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

- Giám đốc doanh nghiệp giải quyết trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật lao động và Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động.

- Trường hợp, tại thời điểm cổ phần hoá hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 năm hết hạn mà người lao động có nguyện vọng tiếp tục làm việc và doanh nghiệp có nhu cầu thì ký hợp đồng lao động mới theo quy định tại chương IV của Bộ luật lao động và Nghị định số 198/CP ngày 31/12/994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động.

c- Đối với người lao động sẽ chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần theo điểm 2.c mục I thì giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm theo quy định và chuyển sang danh sách và hồ sơ của người lao động mà doanh nghiệp đang quản lý cho Hội đồng quản trị hoặc giám đốc Công ty cổ phần.

d- Người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm 1 mục I của Thông tư này được hưởng các ưu đãi về quỹ phúc lợi, về tài chính theo quy định tại khoản 5 Điều 10, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/CP ngày 7/5/1996 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

đ- Doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ về bảo hiểm xã hội (kể cả phần người lao động phải đóng) cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

e- Giám đốc doanh nghiệp và người lao động thanh toán các khỏn nợ trước khi chuyển sang công ty cổ phần (trừ số nợ do vay để mua cổ phiếu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/CP ngày 07/05/1996 của Chính phủ).

II. LAO ĐỘNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI DOANH NGHIỆP ĐÃ CHUYỂN THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN.

[...]