Thông tư 11/1998/TT-LĐTBXH hướng dẫn Nghị định 44/1998/NĐ-CP về chính sách đối với người lao động khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 11/1998/TT-LĐTBXH
Ngày ban hành 21/08/1998
Ngày có hiệu lực 05/09/1998
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/1998/TT-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 1998

 

THÔNG TƯ

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 11/1998/TT-LĐTBXH NGÀY 21 THÁNG 8 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI CHUYỂN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 44/1998/NĐ-CP NGÀY 29 THÁNG 6 NĂM 1998 CỦA CHÍNH PHỦ

Thi hành Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần.

Sau khi trao đổi thống nhất với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về chính sách đối với người lao động khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần, như sau:

A. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này được áp dụng đối với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước, bộ phận doanh nghiệp Nhà nước được tách ra để cổ phần hoá theo quy định tại Nghị định số 44/1998/ NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần.

2. Người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp là người có trong danh sách hưởng lương và hưởng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hoá, bao gồm: lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn; lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo thời vụ, theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới 1 năm (kể cả người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, chờ việc theo quyết định của Giám đốc doanh nghiệp).

3. Người lao động nghèo được hưởng ưu đãi theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 44/1998/NĐ-CP của Chính phủ là người có thu nhập bình quân đầu người trong gia đình thấp hơn mức lương tối thiểu chung do Chính phủ công bố tại thời điểm cổ phần hoá (hiện này là 144. 000 đồng/tháng). Giám đốc doanh nghiệp phối hợp cùng Đảng uỷ, Công đoàn và Ban cổ phần hoá tại doanh nghiệp xem xét quyết định số lao động nghèo trong doanh nghiệp.

Thu nhập bình quân đầu người trong gia đình được tính trên cơ sở các khoản thu nhập bao gồm: tiền lương, tiền thưởng, các khoản phụ cấp lương đối với người làm công ăn lương; thu nhập chính từ lao động của các thành viên trong gia đình làm việc ở các thành phần kinh tế khác (ngoài ra không còn khoản thu nhập nào khác) chia cho số người trong gia đình (vợ, chồng, con và người phải trực tiếp nuôi dưỡng).

4. Thời gian làm việc cho Nhà nước là thời gian người lao động đã làm việc cho các doanh nghiệp Nhà nước; các cơ quan đơn vị thuộc khu vực Nhà nước. Cách tính thời gian làm việc theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ Luật lao động về hợp đồng lao động.

5. Ngoài các chính sách quy định tại Thông tư này, người lao động còn được hưởng những ưu đãi về quỹ phúc lợi, khen thưởng và các ưu đãi khác về tài chính theo quy định tại khoản 5 Điều 13, khoản 1 và 2, Điều 14 Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

B. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP TRƯỚC KHI CỔ PHẦN HOÁ.

Khi tiến hành xây dựng phương án cổ phần hoá, Ban cổ phần hoá tại doanh nghiệp phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp lập phương án về lao động và giải quyết chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án được lập theo các nội dung sau:

1. Lập danh sách số lao động hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm có quyết định cổ phần hoá, cụ thể như sau:

a. Danh sách tổng số người lao động tại thời điểm cổ phần hoá.

b. Dự kiến danh sách người lao động có điều kiện về tuổi đời, sức khoẻ, cần phải đi đào tạo, đào tạo lại nghề (sau đây gọi chung là đào tạo nghề) và sẽ sang làm việc tại công ty cổ phần sau này.

c. Lập danh sách số lao động thuộc diện nghỉ hưu theo chế độ hưu trí.

d. Lập danh sách số lao động đang nghỉ theo 3 chế độ bảo hiểm xã hội (ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp);

đ. Lập danh sách số lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại thời điểm cổ phần hoá (kể cả số lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ) để giải quyết chế độ theo điểm 2.b mục I phần B của Thông tư này;

e. Số lao động chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần, bao gồm:

- Số lao động mà hợp đồng lao động đang còn thời hạn.

- Số lao động đang nghỉ theo 3 chế độ bảo hiểm xã hội mà hợp đồng lao động đang còn thời hạn,

- Số lao động đang trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

2. Giải quyết quyền lợi đối với người lao động:

a. Đối với người lao động (theo điểm 1.c mục I phần B) thuộc diện được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (hưu trí, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; ốm đau; tử tuất) thì Giám đốc doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là cơ quan bảo hiểm xã hội) giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định hiện hành.

b. Đối với trường hợp thôi việc theo điểm 1.đ mục I phần B thì:

- Giám đốc doanh nghiệp làm đầy đủ các thủ tục để cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định hiện hành.

[...]