Thông tư 17-LĐ-TT-1964 hướng dẫn thi hành Thông tư 88-TTg-CN-1964 về chế độ trợ cấp thôi việc do Bộ Lao động ban hành
Số hiệu | 17-LĐ-TT |
Ngày ban hành | 09/11/1964 |
Ngày có hiệu lực | 24/11/1964 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động |
Người ký | Nguyễn Đăng |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
BỘ
LAO ĐỘNG |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 17-LĐ-TT |
Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 1964 |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: |
- Các bộ, các cơ
quan ngang bộ và các cơ quan trực thuộc hội đồng chính phủ. |
Ngày 01 tháng 10 năm 1964, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thông tư số 88-TTg-CN quy định chế độ trợ cấp cho công nhân, viên chức Nhà nước khi thôi việc. Bộ Lao động giải thích và hướng dẫn thêm để việc thi hành thông tư được thống nhất.
I. CÁC TRƯỜNG HỢP THÔI VIỆC ĐƯỢC TRỢ CẤP
Chế Độ Trợ Cấp Thôi Việc Này Áp dụng chủ yếu cho các trường hợp công nhân, viên chức thôi việc do cơ quan, xí nghiệp kiện toàn tổ chức, giảm nhẹ biên chế hoặc hết việc phải giải thể, nhằm giúp đỡ công nhân, viên chức giải quyết một phần khó khăn khi mới thôi việc, và tạo điều kiện để họ nhanh chóng ổn định đời sống và công việc làm mới. Song về nguyên tắc, chế độ trợ cấp này không phải chỉ căn cứ vào hoàn cảnh có khó khăn hay không có khó khăn, mà chủ yếu dựa trên cơ sở lao động đã cống hiến của mỗi người để định mức trợ cấp thích đáng.
Với ý nghĩa và nguyên tắc nói trên, các trường hợp công nhân, viên chức tự xin thôi việc, nói chung không được trợ cấp, nhưng có phân biệt và chiếu cố một số trường hợp cụ thể có lý do chính đáng như đã quy định ở thông tư của Thủ tướng Chính phủ; khi xét các trường hợp này, cần đứng trên quan điểm vì lợi ích của công tác mà kết hợp xét yêu cầu, nguyện vọng riêng của công nhân, viên chức để giải quyết được đúng đắn.
Sau đây là việc vận dụng chế độ trợ cấp vào các trường hợp cụ thể đã quy định ở thông tư:
1. Công nhân, viên chức xin thôi việc do nguyện vọng riêng nhưng xét phù hợp với yêu cầu của cơ quan, xí nghiệp trong dịp kiện toàn tổ chức, giảm nhẹ biên chế hoặc hết việc phải giải thể thì được trợ cấp thôi việc. Trong trường hợp này, thực chất cũng là do gặp khó khăn trong việc sắp xếp công việc mà cơ quan, xí nghiệp cho công nhân, viên chức thôi việc; vì vậy không cần phân biệt lý do xin thôi với nguyện vọng riêng như thế nào, miễn là việc xin thôi đó được cơ quan, xí nghiệp xét thấy phù hợp với lợi ích chung. Nếu ở nơi này cần giảm bớt người, nhưng người công nhân, viên chức xin thôi việc lại thuộc đối tượng cần điều chỉnh cho nơi khác, thì nói chung không thuộc trường hợp nêu trên; nếu điều động nhưng đương sự không đi và cơ quan, xí nghiệp phải cho thôi việc thì không được trợ cấp.
Riêng trường hợp cơ quan, xí nghiệp hết việc, phải điều động người công nhân, viên chức đi xa thì mới sắp xếp được công việc làm, nhưng người đó vì hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn không đi xa được, xin thôi việc và được cơ quan, xí nghiệp đồng ý thì cũng được trợ cấp.
2. Công nhân, viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng nhưng hưởng theo chế độ lương chung của Nhà nước đã ban hành, mặc dù trong hợp đồng không ghi quyền hưởng trợ cấp thôi việc cũng thuộc đối tượng thi hành chế độ trợ cấp (trừ hợp đồng với chế độ lương đặc biệt). Nếu hết hạn hợp đồng, cơ quan, xí nghiệp còn cần người công nhân, viên chức đó tiếp tục làm việc nữa thì phải được sự thỏa thuận của đương sự. Trường hợp đương sự không có điều kiện để tiếp tục công tác thì khi thôi việc vẫn được hưởng trợ cấp. Trường hợp đương sự đồng ý tiếp tục công tác thì sau này khi thôi việc hẳn mới xét trợ cấp, và thời gian công tác liên tục của các hợp đồng trước cũng được tính để hưởng trợ cấp. Nếu chưa hết hạn hợp đồng, có những trường hợp xin thôi việc thì cũng được xét theo quy định chung của thông tư số 88-TTg-CN nói trên.
3. Khi xét trường hợp công nhân, viên chức xin thôi việc để hưởng ứng các cuộc vận động lớn của Nhà nước trong từng thời gian nhất định, cơ quan, xí nghiệp cần cân nhắc kỹ giữa yêu cầu của công tác và yêu cầu của đương sự, và trước hết phải lấy yêu cầu công tác của cơ quan, xí nghiệp là chính, trên cơ sở đó, nếu cơ quan, xí nghiệp xác nhận lý do xin thôi việc của đương sự là chính đáng và không trở ngại nhiều đến công tác thì cho thôi việc theo đúng thủ tục quy định và đương sự được hưởng trợ cấp. Trái lại, nếu đương sự thôi việc mà trở ngại nhiều cho công tác, tuy cơ quan, xí nghiệp đã giải thích kỹ nhưng đương sự vẫn nhất định xin thôi, thì trường hợp này dù được cơ quan, xí nghiệp đồng ý cho thôi việc, cũng không được hưởng trợ cấp. Trước khi ra quyết định cho thôi việc, cơ quan, xí nghiệp cần nói cho đương sự biết và ghi rõ lý do thôi việc trong quyết định.
4. Đối với trường hợp xin thôi việc vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt đã nêu trong thông tư số 88-TTg-CN ngày 01-10-1964 thì cần hiểu rõ đây là trường hợp mà cơ quan, xí nghiệp, Công đoàn đã tìm hết cách để giúp đỡ nhưng không giải quyết được chỉ còn có cách bản thân người công nhân, viên chức đó thôi việc thì mới có điều kiện giải quyết, ví dụ: gia đình có cha mẹ già, vợ chết hoặc vợ ốm đau lâu ngày không khỏi, và đông con nhỏ,…
Ngoài ra, nếu ngành nào, địa phương nào nhất là các địa phương có đông công nhân, viên chức là người dân tộc cần giải thích vấn đề này cho sát với đặc điểm của ngành, của địa phương thì đề nghị cụ thể với Bộ Lao động để giải quyết.
Khi xét hoàn cảnh gia đình có khó khăn đặc biệt, cơ quan, xí nghiệp cần dựa vào ý kiến của Công đoàn cơ sở để việc nhận xét được sát đúng; trường hợp cần thiết thì hỏi thêm ý kiến của chính quyền địa phương nơi gia đình đương sự ở. Khi hỏi cần nêu rõ yêu cầu để chính quyền địa phương cung cấp tình hình được đầy đủ cụ thể, phân biệt được hoàn cảnh gia đình có khó khăn đặc biệt với hoàn cảnh tuy có khó khăn nhưng có tính chất phổ biến trong hoàn cảnh chung.
Khi cơ quan, xí nghiệp đã xác nhận hoàn cảnh của đương sự có khó khăn đặc biệt như đã giải thích ở trên thì cần giải quyết cho đương sự được thôi việc có hưởng trợ cấp. Nếu xét thấy hoàn cảnh của đương sự chưa đến mức cần giải quyết bằng cách cho thôi việc thì cũng giải thích rõ để đương sự yên tâm công tác. Ở đây chính sách chiếu cố đến trường hợp xét thật cần thiết; vì vậy cần làm cho công nhân, viên chức thấy trách nhiệm của mình là phải ra sức khắc phục khó khăn để tiếp tục công tác là chính, không nên quá nặng về mặt xin thôi việc.
5. Công nhân, viên chức khi thôi việc mà sức khỏe bị suy yếu thì ngoài số tiền được trợ cấp theo số năm công tác, còn được xét trợ cấp thêm một khoản tiền bằng từ 1/2 đến 3 tháng lương nhằm chiếu cố đến tình hình sức khỏe của công nhân, viên chức khi mới thôi việc. Số tiền trợ cấp thêm này nhiều nhất là 3 tháng lương thi hành chung cho công nhân, viên chức thôi việc và thuộc diện được hưởng trợ cấp đã làm việc liên tục từ trước ngày 20-7-1954 cũng như những người làm việc từ ngày đó trở về sau, nhưng không vượt quá số tiền trợ cấp tính theo thời gian công tác của người đó. Ví dụ: Một viên chức sức khỏe bị suy yếu khi thôi việc có thời gian công tác liên tục là 4 năm, trợ cấp tính theo số năm công tác được 2 tháng lương, thì số tiền được xét trợ cấp thêm nhiều nhất cũng chỉ bằng 2 tháng lương, chứ không phải 3 tháng, và tổng số tiền người đó được trợ cấp khi thôi việc là 4 tháng lương.
Việc xét khoản trợ cấp thêm vì sức khỏe bị suy yếu cần làm cho kịp thời khi cho thôi việc, đúng tinh thần chính sách, tránh gây ra suy bì, thắc mắc hoặc giải quyết tràn lan, và do cơ quan, xí nghiệp phối hợp với Công đoàn, tổ chức y tế của đơn vị xét kỹ tình trạng sức khỏe của mỗi người mà quyết định. Những đơn vị lẻ tẻ không có cán bộ y tế, cần tranh thủ ý kiến của tổ chức y tế địa phương.
Công nhân, viên chức thôi việc, không phân biệt được trợ cấp hay không được trợ cấp thôi việc, cũng được hưởng các quyền lợi khác đã quy định ở thông tư số 88-TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ như được trợ cấp tiền tàu xe, tiền cước phí hành lý, được tiếp tục cấp phiếu mua gạo một thời gian khi về địa phương… theo các chế độ hiện hành, ví dụ: vấn đề cấp phiếu mua gạo cho bản thân người công nhân, viên chức thôi việc thì theo công văn số 561-LT-CC ngày 23-3-1964 của Tổng cục Lương thực; vấn đề bán gạo cho gia đình (nếu có gia đình cùng đi) thì theo công văn số 2796-LT-VP ngày 27-11-1963 của Tổng cục Lương thực.
1. Thời gian để tính trợ cấp chỉ kể thời gian mà người công nhân, viên chức đã công tác liên tục ở cơ quan, xí nghiệp Nhà nước dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa và ở các cơ quan đoàn thể cách mạng từ cấp huyện trở lên cho đến ngày thôi việc. Ở các xí nghiệp công tư hợp doanh, nếu ở vùng tự do cũ thì thời gian chỉ tính từ ngày hòa bình lập lại, nếu ở vùng tạm bị chiếm thì tính từ ngày Chính phủ tiếp quản địa phương đối với những người đã làm việc ở các xí nghiệp ấy trước ngày đó. Thời gian công tác trước của những người đã thôi việc sau được tuyển dụng lại, thì không được tính để cộng với thời gian công tác sau để hưởng trợ cấp.
Từ ngày người công nhân, viên chức được tuyển dụng cho đến khi thôi việc, nếu có những thời gian sau đây cũng được tính:
- Thời gian tập sự sau khi tốt nghiệp ở các trường dạy nghề, sơ, trung học chuyên nghiệp, đại học;
- Thời gian được cơ quan, xí nghiệp cử đi học các lớp bổ túc nghiệp vụ, chính trị, văn hóa, các trường sơ học, trung học chuyên nghiệp, đại học;
- Thời gian nghỉ vì ốm đau, điều trị, điều dưỡng nhưng vẫn ở trong chỉ tiêu biên chế của cơ quan, xí nghiệp.
- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự.