Thông tư 17/2011/TT-BTNMT Quy định về quy trình kỹ thuật thành lập bản đồ môi trường (không khí, nước mặt lục địa, nước biển) do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 17/2011/TT-BTNMT
Ngày ban hành 08/06/2011
Ngày có hiệu lực 01/08/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Bùi Cách Tuyến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2011/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2011

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT THÀNH LẬP BẢN ĐỒ MÔI TRƯỜNG (KHÔNG KHÍ, NƯỚC MẶT LỤC ĐỊA, NƯỚC BIỂN)

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUY ĐỊNH:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy trình thành lập bản đồ môi trường quy định những bước công nghệ bắt buộc và yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho việc thành lập bản đồ thuộc các chuyên đề khác nhau trong lĩnh vực môi trường phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất và quản lý trong phạm vi Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Quy trình là cơ sở pháp lý để quản lý, thẩm định và phê duyệt các dự án, luận chứng kinh tế kỹ thuật, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thành lập bản đồ môi trường.

2. Đối tượng áp dụng

Quy trình kỹ thuật áp dụng với các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, địa phương và các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động xây dựng, thành lập các bản đồ môi trường.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bản đồ môi trường: là một loại bản đồ chuyên đề. Trên bản đồ thể hiện một hay nhiều nội dung thông tin về hiện trạng môi trường, nguồn gây ô nhiễm môi trường, dự báo xu thế môi trường, đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường,… hay thể hiện tổng hợp toàn bộ các nội dung nêu trên có ảnh hưởng, tác động đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và tự nhiên.

2. Bản đồ môi trường không khí, nước mặt lục địa, nước biển: là bản đồ môi trường thể hiện một hay nhiều nội dung thông tin về hiện trạng môi trường, nguồn gây ô nhiễm môi trường, dự báo xu thế môi trường, đánh giá chất lượng, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường,… hoặc thể hiện tổng hợp toàn bộ các thông tin về các thành phần môi trường không khí, nước mặt lục địa, nước biển có ảnh hưởng, tác động đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và tự nhiên dựa trên việc so sánh và phân tích các số liệu được quan trắc nhiều năm, hoặc tại một thời điểm nhất định, với các giá trị tiêu chuẩn và giới hạn các thông số cơ bản được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và Tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường.

3. Bản đồ mạng lưới các điểm quan trắc: là một loại bản đồ môi trường. Trên bản đồ thể hiện mạng lưới các điểm quan trắc về vị trí, tên (hoặc số hiệu) các điểm quan trắc, tần số quan trắc, các thông số quan trắc.

4. Bản đồ hiện trạng: là các bản đồ thể hiện trạng thái môi trường theo một hay nhiều thông số đặc trưng cho môi trường không khí, nước mặt lục địa, nước biển tại một thời điểm nhất định. Trên bản đồ cần biểu thị chất lượng môi trường theo thành phần môi trường, mức độ ô nhiễm, ranh giới vùng ô nhiễm, thông số gây ô nhiễm, nồng độ/quy mô ô nhiễm, mức độ lan tỏa,…

5. Bản đồ đánh giá: là các bản đồ thể hiện mức độ ảnh hưởng hoặc tác động của một hay nhiều thông số đặc trưng cho môi trường không khí, nước mặt lục địa, nước biển đến điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội hoặc đến các hoạt động của con người.

6. Bản đồ dự báo: là các bản đồ thể hiện diễn biến thay đổi của một hay nhiều thông số đặc trưng cho môi trường không khí, nước mặt lục địa, nước biển xảy ra vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Trên bản đồ cần biểu thị ranh giới khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm (hoặc sẽ được cải thiện) theo thành phần môi trường, thông số gây ô nhiễm.

7. Bản đồ quy hoạch: là các bản đồ thể hiện thông tin của một hay nhiều thông số đặc trưng cho môi trường không khí, nước mặt lục địa, nước biển, về các khu vực, địa điểm sẽ được cải thiện hoặc được bảo vệ môi trường trong tương lai.

8. Bản đồ tổng hợp: là các bản đồ thể hiện một hay nhiều nội dung của các loại bản đồ nêu trên. Trên bản đồ có thể biểu thị kết hợp mạng lưới quan trắc/hiện trạng môi trường/đánh giá mức độ ảnh hưởng/dự báo mức độ ô nhiễm môi trường với bản đồ nguồn gây ô nhiễm môi trường,… của một hay nhiều thông số đặc trưng cho môi trường không khí, nước mặt lục địa, nước biển nhằm có được bức tranh tổng quát hơn về môi trường.

Điều 3. Phạm vi thành lập bản đồ môi trường

Phạm vi thành lập bản đồ môi trường được xác định căn cứ vào mục đích sử dụng hoặc theo đơn vị hành chính như tỉnh, huyện, xã hay các đô thị, hoặc theo vùng cần nghiên cứu, quản lý như khu công nghiệp, khu vực dân cư, khu bảo tồn.

Điều 4. Bản đồ nền trong thành lập bản đồ môi trường

Bản đồ nền (dữ liệu được dùng làm nền địa lý) trong thành lập bản đồ môi trường phải được thành lập từ các loại bản đồ địa hình, địa chính hoặc bình đồ ảnh dạng số,… được thành lập theo tiêu chuẩn của ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và phải được các cấp có thẩm quyền nghiệm thu. Tỷ lệ dữ liệu dùng làm nền địa lý không được nhỏ hơn quá 1,5 lần so với tỷ lệ bản đồ cần thành lập.

Điều 5. Thiết kế kỹ thuật, dự toán

Trước khi thành lập bản đồ môi trường phải xây dựng thiết kế kỹ thuật -  dự toán theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tài liệu này được dùng làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện và kiểm tra nghiệm thu các sản phẩm và thanh quyết toán công trình.

[...]