Thông tư 14/2023/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 14/2023/TT-NHNN
Ngày ban hành 20/11/2023
Ngày có hiệu lực 01/10/2024
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Người ký Đoàn Thái Sơn
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2023/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2023

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG PHI NGÂN HÀNG

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng phi ngân hàng được xây dựng phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan và được tổ chức thực hiện nhằm kiểm soát, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra. Hệ thống kiểm soát nội bộ thực hiện giám sát của quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ.

2. Giám sát của quản lý cấp cao là việc giám sát của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) đối với kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và giám sát của Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng phi ngân hàng đối với kiểm toán nội bộ.

3. Kiểm soát nội bộ là việc kiểm tra, giám sát đối với các cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, quy định nội bộ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, văn hóa kiểm soát nhằm kiểm soát xung đột lợi ích, kiểm soát rủi ro.

4. Quản lý rủi ro là việc nhận dạng, theo dõi và kiểm soát rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

5. Văn hóa kiểm soát là giá trị văn hóa doanh nghiệp của tổ chức tín dụng phi ngân hàng thể hiện sự nhận thức thống nhất về tầm quan trọng của hoạt động kiểm soát và quản trị rủi ro của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) và các cá nhân, bộ phận. Văn hóa kiểm soát được hình thành thông qua chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy định nội bộ, chế độ khen thưởng, kỷ luật nhằm khuyến khích, đảm bảo các cá nhân, bộ phận chủ động nhận diện, kiểm soát rủi ro trong hoạt động của mình và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

6. Rủi ro là khả năng xảy ra tổn thất (tổn thất tài chính, tổn thất phi tài chính) làm giảm thu nhập, vốn tự có dẫn đến làm giảm tỷ lệ an toàn vốn hoặc hạn chế khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

7. Trạng thái rủi ro là phần giá trị của tài sản có rủi ro, nợ phải trả có rủi ro và các khoản mục ngoại bảng có rủi ro của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

8. Rủi ro tín dụng bao gồm:

a) Rủi ro tín dụng là rủi ro do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trừ các trường hợp quy định tại điểm b Khoản này. Trong đó, khách hàng (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có quan hệ với tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong việc nhận cấp tín dụng (bao gồm cả nhận cấp tín dụng thông qua ủy thác), nhận tiền gửi, phát hành trái phiếu doanh nghiệp;

b) Rủi ro tín dụng đối tác là rủi ro do đối tác không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phân hoặc toàn bộ nghĩa vụ thanh toán trước hoặc khi đến hạn của các giao dịch tự doanh; giao dịch repo và giao dịch reverse repo; giao dịch sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro; giao dịch mua bán ngoại tệ, tài sản tài chính để phục vụ nhu cầu của khách hàng, đối tác. Trong đó, đối tác (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có giao dịch với tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong các giao dịch tự doanh; giao dịch repo và giao dịch reverse repo; giao dịch sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro; giao dịch mua bán ngoại tệ, tài sản tài chính để phục vụ nhu cầu của khách hàng, đối tác.

9. Rủi ro hoạt động là rủi ro do các quy trình nội bộ quy định không đầy đủ hoặc có sai sót, do yếu tố con người, do các lỗi, sự cố của hệ thống hoặc do các yếu tố bên ngoài làm tổn thất về tài chính, tác động tiêu cực phi tài chính đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng (bao gồm cả rủi ro pháp lý). Rủi ro hoạt động không bao gồm:

a) Rủi ro danh tiếng là rủi ro do khách hàng, đối tác, cổ đông, nhà đầu tư hoặc công chúng có phản ứng tiêu cực về uy tín của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

[...]