Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Thông tư 14/2001/TT-BYT hướng dẫn ghi nhãn thuốc và nhãn mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 14/2001/TT-BYT
Ngày ban hành 26/06/2001
Ngày có hiệu lực 11/07/2001
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Lê Văn Truyền
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/2001/TT-BYT

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ Y TẾ SỐ 14/2001/TT-BYT NGÀY 26 THÁNG 6 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN GHI NHÃN THUỐC VÀ NHÃN MỸ PHẨM ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP TỚI SỨC KHOẺ CON NGƯỜI

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Quyết định số 95/2000/QĐ-TTg ngày 15/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ; và Thông tư số 34/1999/TT-BTM ngày 15/12/1999 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 304/CP-KTQĐ ngày 18/4/2001 về ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế ghi nhãn hàng hoá, Bộ Y tế hướng dẫn việc ghi nhãn thuốc và nhãn mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người như sau:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh:

1. Đối tượng áp dụng:

Đối tượng áp dụng của Thông tư này là các tổ chức, cá nhân, thương nhân kinh doanh thuốc, mỹ phẩm sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, xuất khẩu; tổ chức, cá nhân, thương nhân nhập khẩu thuốc, mỹ phẩm nước ngoài để bán tại Việt Nam.

2. Phạm vi điều chỉnh:

a) Thông tư này hướng dẫn việc ghi nhãn đối với thuốc, mỹ phẩm sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước và để xuất khẩu; thuốc, mỹ phẩm sản xuất tại nước ngoài được nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

b) Thuốc, mỹ phẩm tạm nhập tái xuất; thuốc, mỹ phẩm gia công cho nước ngoài; nhãn để phục vụ cho quá trình sản xuất thuốc, mỹ phẩm trong xí nghiệp không thuộc phạm vi hướng dẫn của Thông tư này.

Nhãn thuốc cần nhập khẩu trong quá tình trạng khẩn cấp, hoặc các trường hợp đặc biệt khác, tuỳ theo điều kiện Bộ Y tế có quy định cụ thể.

Điều 2. Giải thích từ ngữ:

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nhãn thuốc, mỹ phẩm là bản in, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu được in chìm, in nổi trực tiếp trên bao bì thương phẩm hoặc được dán, gắn chắc chắn trên bao bì thương phẩm của thuốc, mỹ phẩm để thể hiện các thông tin cần thiết và chủ yếu về thuốc, mỹ phẩm đó, giúp người dùng lựa chọn và sử dụng đúng thuốc, mỹ phẩm, và làm căn cứ để các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát, quản lý.

2. Bao bì thương phẩm thuốc, mỹ phẩm là bao bì gắn trực tiếp vào thuốc, mỹ phẩm và được bán cùng với thuốc, mỹ phẩm cho người sử dụng, có các loại bao bì trực tiếp đựng thuốc, mỹ phẩm và bao bì ngoài:

a) Bao bì trực tiếp đựng thuốc, mỹ phẩm là bao bì trực tiếp tiếp xúc để chứa đựng thuốc, mỹ phẩm, tạo ra hình, khối cho thuốc, mỹ phẩm, hoặc bọc kín theo hình, khối của thuốc, mỹ phẩm.

b) Bao bì ngoài của thuốc, mỹ phẩm là bao bì chứa một, hoặc một số bao bì đựng thuốc, mỹ phẩm.

3. Bao bì thuốc, mỹ phẩm không có tính chất thương phẩm là bao bì không bán lẻ cùng với thuốc, mỹ phẩm gồm nhiều loại được dùng trong vận chuyển, bảo quản thuốc trên các phương tiện vận tải hoặc trong các kho tàng.

4. Nội dung bắt buộc của nhãn thuốc, mý phẩm bao gồm những thông tin quan trọng nhất về thuốc, mỹ phẩm phải ghi trên nhãn thuốc, mỹ phẩm.

5. Nội dung không bắt buộc của nhãn thuốc, mỹ phẩm là những thông tin khác, ngoài nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn thuốc, mỹ phẩm.

6. Phần chính của nhãn thuốc, mỹ phẩm là phần ghi các nội dung bắt buộc của nhãn thuốc, mỹ phẩm để người sử dụng nhìn thấy đễ dàng và rõ nhất trong điều kiện bầy hàng bình thường, được thiết kế tuỳ thuộc vào kích thước thực tế của bao bì trực tiếp đựng thuốc, mỹ phẩm và không được thể hiện ở phần đáy của bao bì.

7. Phần thông tin thêm là phần tiếp nối với phần chính của nhãn, ghi các nội dung không bắt buộc của nhãn thuốc, mỹ phẩm, hoặc một số nội dung bắt buộc trong trường hợp phần chính của nhãn không đủ chỗ để ghi các nội dung bắt buộc đó.

8. Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc: là tờ đi kèm theo bao bì thương phẩm của thuốc, trong đó ghi nhưng thông tin cần thiết để hướng dẫn trực tiếp cho người sử dụng thuốc an toàn, hợp lý (thực hiện theo quy định tại chương III của Thông tư này).

Điều 3. Yêu cầu cơ bản của nhãn thuốc, mỹ phẩm:

Tất cả các chữ viết, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu, ghi trên nhãn thuốc, mỹ phẩm phải rõ ràng, dễ đọc, đúng với thực chất của nhãn thuốc, mỹ phẩm, không được gây ra sự nhầm lẫn với thuốc, mỹ phẩm và hàng hoá khác.

Điều 4. Ngôn ngữ trình bày nhãn thuốc:

1. Nhãn thuốc sản xuất để lưu thông trong nước phải được viết bằng tiếng Việt. Tuỳ theo yêu cầu của từng loại thuốc có thể viết thêm bằng chữ nước ngoài những kích thước của chữ nước ngoài phải nhỏ hơn.

[...]