Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 133-BCNN/KH năm 1961 thể thức thi hành điều lệ tạm thời về lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành sản phẩm công nghiệp theo Nghị định 43-CP do Bộ Công nghiệp nhẹ ban hành

Số hiệu 133-BCNN/KH
Ngày ban hành 13/03/1961
Ngày có hiệu lực 28/03/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp nhẹ
Người ký Kha Vạn Cân
Lĩnh vực Thương mại,Kế toán - Kiểm toán

BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ
*******

Số:133-BCNN/KH

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

   Hà Nội ngày 13 tháng 03 năm 1961

 

QUY ĐỊNH THỂ THỨC THI HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ VIỆC LẬP KẾ HOẠCH, HẠCH TOÁN VÀ THỐNG KÊ GIÁ THÀNH SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP DO HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 43-CP NGÀY 16-09-1960

Kính gửi:

Các ông Giám đốc các xí nghiệp, Công trường và các cơ quan thuộc
Bộ Công nghiệp nhẹ.

 

 Bộ quy định thể thức thi hành điều lệ tạm thời về việc lập kế hoạch, hạch toán, thống kê giá thành và phí lưu thông của Hội đồng Chính phủ ban hành theo Nghị định số 43-CP ngày 16 tháng 09 năm 1960 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1961 để các xí nghiệp, công trường và các cơ quan thuộc Bộ triệt để thi hành:

PHẦN THỨ NHẤT

MỤC ĐÍCH YÊU CẦU CỦA CHẾ ĐỘ LẬP KẾ HOẠCH, HẠCH TOÁN VÀ THỐNG KÊ GIÁ THÀNH CỦA SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP

 Quản lý giá thành là tìm mọi biện pháp tiết kiệm lao động quá khứ và lao động sống nhằm mục đích hạ giá thành. Việc tính giá thành từng loại sản phẩm công nghiệp có mục đích:

- Làm cơ sở cho việc quy định giá bán buôn chỉ đạo.

- Để lập kế hoạch và tính giá thành của toàn bộ sản phẩm thương phẩm;

- Để xác định tốc độ tăng giảm giá thành sản phẩm công nghiệp có thể so sánh được trong công tác kế hoạch và thống kê

Mục đích lập kế hoạch giá thành để dự tính trước giá thành của các loại sản phẩm, định ra tiểu chuẩn cần thiết về nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, động lực tiền lương và các chi phí khác tính, vào giá thành của mỗi loại sản phẩm đó, làm cho việc dùng sức người sức của và tiền tệ đều có tiêu chuẩn nhất định và việc sử dụng được hợp lý, giúp ích cho các xí nghiệp tự kiểm tra được các hoạt động kinh tế - sản xuất của mình, nhờ đó giảm bớt và chấm dứt lãng phí, thực hành tiết kiệm, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành là nguồn gốc quan trọng trong việc mở rộng tái sản xuất xã hội chủ nghĩa, tăng thêm tích lũy vốn trong ngành công nghiệp, thực hiện nhu cầu căn bản của chế độ hạch toán kinh tế, đồng thời đảm bảo nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động.

Chính vì mục đích đó mà chế độ lập kế hoạch, thống kê và hạch toán giá thành của sản phẩm công nghiệp không ngừng được cải tiến.

Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về việc lập kế hoạch, hạch toán, thống kê giá thành và phí lưu thông có hiệu lực thi hành từ 01-01-1961 nhằm mục đích:

1. Giúp ích cho việc cải tiến sự lãnh đạo của xí nghiệp trong công tác quản lý giá thành và lập kế hoạch giá thành được khoa học, đơn giản, gọn, dễ phát hiện vấn đề, làm cho việc phấn đấu hạ giá thành có trọng tâm, trọng điểm, giảm nhẹ khó khăn cho công tác quản lý;

2. Giảm bớt công việc cho cán bộ quản lý làm nhanh, tốt, chính xác trong khi lập kế hoạch, thống kê và hạch toán giá thành có quy định rõ ràng nguyên tắc, phương pháp, quan niệm thống nhất, do đó công tác lập kế hoạch, tính giá thành và phí tổn sản xuất được nhanh chóng, dễ dàng, làm cho cán bộ quản lý có điều kiện tập trung vào phục vụ sản xuất tốt hơn, giám đốc tình hình chấp hành kế hoạch giá thành, kiểm tra việc giảm giá thành, phát hiện ra những nhân tố nào làm cho giá thành cao, tìm ra nguyên nhân trong quá trình chấp hành kế hoạch và lực lượng tiềm tàng trong nội bộ xí nghiệp căn cứ vào tiêu chuẩn các khoản chi phí giá thành do Nhà nước quy định.

3. Làm cho quần chúng công nhân dễ dàng tham gia quản lý kế hoạch giá thành, kiểm tra giá thành thực tế và đấu tranh hạ giá thành một cách có hiệu quả.

4. Nâng cao chất lượng công tác kế hoạch, thống kê và hạch toán giá thành được chính xác, hợp lý và dễ so sánh giá thành sản phẩm cùng một loại của xí nghiệp này với xí nghiệp khác có cơ sở quy định thống nhất.

5. Loại trừ những nhân tố không tham gia quá trình sản xuất ra khỏi giá thành của sản phẩm công nghiệp nhằm giảm bớt khó khăn cho xí nghiệp trong việc hoàn thành nhiệm vụ hạ giá thành của Nhà nước và của Bộ, nhất là đối với những nhân tố khách quan trên sức người mà xí nghiệp không có khả năng khắc phục được như là: trợ cấp kinh phí công đoàn, Đảng và Đoàn thanh niên, chi phí chuyên gia, bệnh viện, cấp dưỡng, giữ trẻ, thuế,vv…

Chúng ta đều biết rằng yêu cầu của công tác quản lý sản xuất – kinh doanh đòi hỏi phải hạch toán sản xuất và tính giá thành, bởi vì trong kế hoạch sản xuất, kế hoạch giá thành là khâu chính. Vì thế, nếu không có hạch toán sản xuất rành mạch và tính giá thành chính xác thì không thể quản lý xí nghiệp công nghiệp được tốt.

Với mục đích yêu cầu trên, chế độ lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành mới do Hội đồng Chính phủ ban hành lần này sẽ có tác dụng nêu lên mục tiêu phấn đấu hạ giá thành và phương hướng cố gắng quản lý sản xuất kinh doanh của xí nghiệp được tốt hơn, chính xác hơn và hợp lý hơn bất cứ một chế độ lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành nào từ trước đến nay.

Lập kế hoạch, hạch toán và thống kê giá thành của sản phẩm công nghiệp, càng chính xác và hợp lý thì công tác quản lý giá thành càng trở thành nội dung trung tâm của hạch toán kinh tế trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh của Nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

PHẦN THỨ HAI

NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ VIỆC LẬP VÀ XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH GIÁ THÀNH VÀ QUY TẮC THỐNG NHẤT VỀ PHÂN LOẠI CHI PHÍ

I. NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ VIỆC LẬP VÀ XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH
GIÁ THÀNH CỦA SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP

Khi lập và xét duyệt kế hoạch giá thành và phí lưu thông của các xí nghiệp phải dựa trên cơ sở tài liệu dưới đây làm căn cứ:

1. Phải căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước về sản xuất, kiến thiết cơ bản và lưu thông hàng hóa, về cung cấp vật tư, lao động tiền lương, vv…

2. Phải căn cứ vào những tiêu chuẩn về sử dụng thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, động lực và lao động do Ủy ban kế hoạch Nhà nước hoặc Bộ quy định.

3. Phải căn cứ vào những tiêu chuẩn về chế độ chỉ tiêu hành chính do Hội đồng Chính phủ hoặc cơ quan được Hội đồng Chính phủ quy định.

[...]