Thông tư 13/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 13/2014/TT-BTNMT
Ngày ban hành 17/02/2014
Ngày có hiệu lực 07/04/2014
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Nguyễn Thái Lai
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2014/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2014

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH KỸ THUẬT ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT

Căn cứ Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư Quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chi tiết về nội dung, yêu cầu kỹ thuật và các sản phẩm của các nhiệm vụ điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất:

a) Đánh giá số lượng và chất lượng các nguồn nước dưới đất, tìm kiếm nguồn nước dưới đất;

b) Lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất, bản đồ phân vùng chất lượng nguồn nước dưới đất, các bản đồ chuyên đề về tài nguyên nước dưới đất;

c) Đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, nhiễm mặn nguồn nước dưới đất; phân loại nguồn nước dưới đất theo mức độ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt;

d) Xác định ngưỡng khai thác đối với các tầng chứa nước, các khu vực dự trữ nước dưới đất, khu vực cần cấm hoặc hạn chế khai thác nước dưới đất;

đ) Đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước dưới đất, diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng các nguồn nước dưới đất và các tác hại do nước gây ra;

e) Xác định khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, các tổ chức và cá nhân thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất (sau đây gọi chung là dự án).

Điều 2. Mục đích điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất

1. Nhằm cung cấp các thông tin, số liệu về tài nguyên nước dưới đất, khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước dưới đất trên các vùng lãnh thổ.

2. Làm cơ sở cho việc lập quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch có liên quan.

3. Phục vụ các nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin cho các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước dưới đất.

Điều 3. Nguyên tắc điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất

1. Bảo đảm phù hợp với các chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước, các quy hoạch, kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Bảo đảm tính kế thừa, đồng bộ, thống nhất giữa các tỷ lệ điều tra, đánh giá từ tổng quan đến chi tiết và các dạng điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất có tính đặc thù theo yêu cầu cấp bách của cơ quan Nhà nước.

3. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa việc điều tra, đánh giá theo vùng lãnh thổ và lưu vực sông; giữa việc điều tra, đánh giá của Trung ương với việc điều tra, đánh giá của địa phương; giữa việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất với việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững với yêu cầu thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.

5. Định kỳ rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất.

6. Thông tin dữ liệu, kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất phải phục vụ nhu cầu sử dụng cho quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và các nhu cầu khác của cộng đồng; đồng thời phải được tổng hợp và công bố trong hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tài nguyên và môi trường.

[...]