Thông tư 12-TBXH-1975 về việc kết thúc việc xác nhận liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc do Bộ Thương binh Xã hội ban hành

Số hiệu 12-TBXH
Ngày ban hành 10/11/1975
Ngày có hiệu lực 25/11/1975
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Kiện
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-TBXH

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1975

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC KẾT THÚC VIỆC XÁC NHẬN LIỆT SĨ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP Ở MIỀN BẮC

Việc xác nhận liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc đã được tiến hành liên tục trong nhiều năm. Đến nay, hầu hết những trường hợp hy sinh đủ tiêu chuẩn xác nhận là liệt sĩ đã được xác nhận, chỉ còn lẻ tẻ một số ít trường hợp phải giải quyết tiếp. Do việc xác nhận kéo dài nên có tình trạng:

- Một số trường hợp xác nhận không đúng tiêu chuẩn vì hy sinh đã lâu, không còn người biết rõ nhưng địa phương vẫn cứ chứng nhận để đề nghị xác nhận liệt sĩ.

- Nhiều trường hợp đã kết luận không phải là liệt sĩ, nay lại lập hồ sơ khác đề nghị xác nhận, cán bộ mới phụ trách công việc không biết việc cũ, cứ làm thủ tục đề nghị…

Vì vậy Bộ thương binh và xã hội quy định việc kết thúc xác nhận liệt sĩ hy sinh, mất tích trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc như sau:

1. Đến hết tháng 6 năm 1976, các Sở, Ty, Phòng thương binh và xã hội (từ Vĩnh linh trở ra) ngừng việc tiếp nhận hồ sơ về xác nhận liệt sĩ hy sinh, mất tích trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc. Các Sở, Ty phải làm nhanh thủ tục đề nghị lên Bộ xét duyệt hết hồ sơ đã tiếp nhận trong vòng 2 tháng, và từ ngày 01 tháng 09 năm 1976 Bộ không nhận và xét duyệt hồ sơ liệt sĩ hy sinh, mất tích trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc nữa.

Riêng đối với một số trường hợp cá biệt những năm vừa qua thân nhân của liệt sĩ không có điều kiện khai báo để hưởng quyền lợi vì không ở miền Bắc, đi công tác xa…, nay sau khi trở về, có đủ hồ sơ hợp lệ thì vẫn xét được giải quyết.

2. Trong thời hạn nói trên, các tỉnh, thành phố phải khẩn trương giải quyết hết những trường hợp còn lại, chú ý những trường hợp sau đây:

- Những trường hợp đã nhận hồ sơ nhưng để thất lạc thì phải hướng dẫn, giúp gia đình lập lại ngay hồ sơ đúng thủ tục đã quy định.

- Những trường hợp đã có Bằng Tổ quốc ghi ơn (do Bộ trưởng Bộ Thương binh Cựu binh ký) hoặc Bằng Tổ quốc ghi công loại cũ (do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký) mà chưa đổi Bằng Tổ quốc ghi công loại hiện hành (tức là chưa được Chính phủ chính thức công nhận là liệt sĩ) thì phải xem xét kỹ, nếu là hy sinh vì chiến đấu với địch thì các Sở, Ty cần lập danh sách ghi rõ quê quán của liệt sĩ, kèm theo Bằng cũ, gửi về Bộ để xét đổi Bằng Tổ quốc ghi công (bằng cũ không bị tẩy, xóa, chữa lại, tô lại chữ viết…thì mới có giá trị).

- Những trường hợp đã mất tích thuộc diện được xác nhận là liệt sĩ đã có đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Để giải quyết những trường hợp còn lại cho đúng, các Sở, Ty phải xem xét từng trường hợp, có trường hợp phải điều tra, xác minh rất công phu, phải có tài liệu chính xác, cụ thể và phải tra cứu trước đây đã giải quyết chưa và giải quyết như thế nào…để có cơ sở kết luận, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chính sách và giải quyết xong gọn trong thời gian đã quy định trên đây.

 

 

K.T BỘ TRƯỞNG
BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG


 

Nguyễn Kiện