Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 12/2007/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 51/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ do Bộ Khoa Học và Công Nghệ ban hành

Số hiệu 12/2007/TT-BKHCN
Ngày ban hành 12/06/2007
Ngày có hiệu lực 18/08/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Lê Đình Tiến
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2007/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2007 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 51/2006/NĐ-CP NGÀY 19/5/2006 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN TOÀN VÀ KIỂM SOÁT BỨC XẠ

Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định 87/2006/NĐ-CP ngày 28/8/2006 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 51/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ;
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1.1. Thông tư này hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại Chương II Nghị định số 51/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ (sau đây gọi tắt là Nghị định 51).

1.2. Thông tư này không áp dụng đối với: nguồn phóng xạ và chất thải phóng xạ không xác định được chủ sở hữu; các hoạt động liên quan đến bức xạ được miễn trừ khai báo, đăng ký, cấp phép theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6870:2001 “An toàn bức xạ - miễn trừ khai báo, đăng ký và cấp phép” và các quy định khác của pháp luật.

2. Nguyên tắc xử phạt

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Nghị định 51. Khi áp dụng các nguyên tắc đó cần lưu ý những vấn đề sau:

2.1. Nguyên tắc đúng thẩm quyền

Chỉ những người có thẩm quyền quy định tại Điều 23, Điều 24 và Điều 25 Chương III của Nghị định 51 mới được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ với hình thức và mức phạt trong thẩm quyền quy định. Không được phép tách một hành vi thành nhiều hành vi nhỏ hoặc gộp nhiều hành vi nhỏ thành một hành vi lớn hơn nhằm mục đích thay đổi thẩm quyền xử phạt.

2.2. Nguyên tắc đúng đối tượng

Các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi quy định tại Điểm 1.1 của Thông tư này đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 51.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm hành chính. Nhiều đối tượng cùng thực hiện một hành vi vi phạm thì mỗi đối tượng đều bị xử phạt.

2.3. Nguyên tắc đúng mức độ

Nguyên tắc đúng mức độ khi xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ phải căn cứ vào khoản 5 Điều 3 Nghị định 51.

2.4. Nguyên tắc kịp thời, triệt để

Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ, người có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Điều 23, Điều 24 và Điều 25 của Nghị định 51 phải ra quyết định đình chỉ ngay hành vi vi phạm và xử phạt theo quy định. Quyết định đình chỉ có thể là quyết định bằng văn bản hoặc quyết định thể hiện bằng lời nói hoặc các hình thức khác tuỳ từng trường hợp cụ thể.

Trường hợp người phát hiện không có thẩm quyền xử phạt thì không được tự ý xử lý vi phạm mà phải báo cáo ngay cho người có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Điều 23, Điều 24 và Điều 25 của Nghị định 51 để xử phạt theo quy định của pháp luật.

2.5. Nguyên tắc đúng thủ tục

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ được tiến hành theo đúng thủ tục quy định tại các điều từ 28 đến 32 của Nghị định 51. Khi áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định 51, cần lưu ý quy định sau:

Trường hợp hành vi vi phạm phải áp dụng hình thức phạt tiền với mức tiền phạt lớn hơn 100.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt phải lập và ký biên bản vi phạm hành chính. Đây là căn cứ bắt buộc phải có để người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Trường hợp người lập biên bản vi phạm hành chính không có thẩm quyền xử phạt thì thủ trưởng của người đó là người có thẩm quyền xử phạt phải ký tên vào biên bản vi phạm hành chính.  

II. HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ AN TOÀN VÀ KIỂM SOÁT BỨC XẠ

3. Hành vi vi phạm quy định về khai báo (Điều 6 Nghị định 51)

Hành vi gian lận trong khai báo được hiểu là: tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở bức xạ, có quản lý nguồn phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ hoặc chất thải phóng xạ hoặc có tiến hành công việc bức xạ nhưng khai báo không trung thực đối với những nội dung phải khai báo theo quy định.

Cơ sở bức xạ đủ điều kiện được miễn trừ khai báo là: cơ sở bức xạ có các thông số liên quan đến an toàn bức xạ đáp ứng hoặc phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam quy định về an toàn bức xạ, miễn trừ khai báo, đăng ký và cấp phép.

4. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký (Điều 7 Nghị định 51)

[...]