Thông tư 12/2000/TT-BXD hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình hạ tầng thuộc chương trình 135 do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 12/2000/TT-BXD
Ngày ban hành 25/10/2000
Ngày có hiệu lực 09/11/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Mạnh Kiểm
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2000/TT-BXD

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 12/2000/TT-BXD NGÀY 25 THÁNG 10 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 4/3/1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
Căn cứ Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu và vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135); Quyết định số 197/1999/QĐ- TTg ngày 30/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao.
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 416/1999/TTLT/BKH- UBDTMN- TC- XD ngày 29/4/1999 của Liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Uỷ ban Dân tộc và Miền núi - Tài chính- Xây dựng về việc hướng dẫn quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu và vùng xa;
Sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135 và Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao như sau:

Phần 1:

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

1- Thông tư này hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản, có mức vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng thuộc phạm vi Chương trình 135 và Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao (dưới đây gọi chung là chương trình 135). Không áp dụng các quy định tại thông tư này cho các công trình xây dựng khác.

2- Đối với các công trình hạ tầng có mức vốn đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ.

Phần 2:

 CHI PHÍ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Chi phí xây dựng công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135 được xác định trên cơ sở khối lượng công tác xây lắp của công trình, hệ thống các định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và các chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế của công trình.

Tổng dự toán công trình hạ tầng là tổng mức chi phí cần thiết cho việc đầu tư xây dựng công trình được tính toán cụ thể ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật - thi công, bao gồm: Chi phí xây lắp, chi phí thiết bị (nếu có), chi phí khác và chi phí dự phòng. Các khoản mục chi phí trong tổng dự toán được quy định tại Thông tư số 09/2000/TT- BXD ngày 17/7/2000 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn lập và quản lý chi phí xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư.

Dự toán xây dựng công trình hạ tầng được lập trên cơ sở khối lượng các công tác xây lắp tính theo thiết kế kỹ thuật thi công, đơn giá XDCB do UBND cấp tỉnh ban hành và các khoản chi phí như: Chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng đầu ra (Phụ lục số 1 kèm theo thông tư này). Cụ thể như sau:

1- Chi phí nhân công trong đơn giá được áp dụng theo hướng dẫn trong bộ đơn giá XDCB của địa phương. Trường hợp công trình được hưởng thêm các khoản phụ cấp tính theo tiền lương thì được tính bổ sung các khoản phụ cấp này vào chi phí tiền lương trong dự toán.

Khi cần bóc tách phần chi phí nhân công trong dự toán xây lắp để giao khoán lại cho lao động địa phương thì phải căn cứ vào Định mức dự toán XDCB, đơn giá ngày công trong bộ đơn giá XDCB của địa phương.

2- Chi phí vật liệu: áp dụng theo quy định trong bộ đơn giá XDCB của địa phương. Đối với công trình do xã tự thực hiện hoặc được chỉ định thầu có sử dụng một số loại vật liệu xây dựng khai thác tại chỗ như tre, nứa, cát, đá sỏi... thì chi phí của các loại vật liệu này được tính theo giá mua thực tế phù hợp với mặt bằng giá vật liệu xây dựng tại địa phương và được tính bù trừ chênh lệch về giá mua vật liệu trong dự toán xây lắp công trình.

3- Chi phí máy thi công: Tính theo Bảng giá ca máy ban hành kèm theo Quyết định số 1260/1998/QĐ- BXD ngày 28/11/1998 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

4- Chi phí chung và khoản thu nhập chịu thuế tính trước áp dụng theo quy định tại phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này.

Riêng đối với khối lượng xây lắp do xã tự làm (nhận thực hiện khối lượng trọn gói) thì chi phí chung được tính bằng 40% của mức chi phí chung theo quy định. Việc sử dụng khoản chi phí này được lập dự toán riêng và phải được UBND cấp huyện phê duyệt trên cơ sở thực tế thực hiện.

5- Thuế giá trị gia tăng (VAT) được áp dụng theo các quy định hiện hành. Riêng đối với các công trình hạ tầng do xã tự thực hiện thì không tính khoản thuế giá trị gia tăng trong dự toán xây lắp công trình.

Phần 3:

 CÁC KHOẢN MỤC CHI PHÍ KHÁC

I- GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ

1- Công trình hạ tầng có tổng mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng thì chỉ cần Báo cáo đầu tư. Nội dung lập báo cáo đầu tư theo hướng dẫn tại các Thông tư số 06/1999/TT-BKH ngày 24/11/1999, Thông tư số 07/2000/TT- BKH ngày 3/7/2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các dự án được lập Báo cáo đầu tư thì không phải thẩm định. Chủ đầu tư có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét Báo cáo đầu tư để quyết định đầu tư.

2- Mức chi phí để lập Báo cáo đầu tư được áp dụng chung cho các công trình hạ tầng bằng 0,37% tổng mức vốn đầu tư xây dựng công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

II- GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Một số khoản chi phí khác thuộc giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng sau đây được tính trong dự toán công trình:

1- Chi phí đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng xây dựng:

Việc xác định chi phí đền bù thiệt hại về đất đai, tài sản, hoa mầu và giải phóng mặt bằng xây dựng công trình (nếu có) được thực hiện theo qui định tại Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đơn giá đền bù áp dụng theo đơn giá do Chủ tịch UBND tỉnh ban hành.

[...]