Thông tư 07/2000/TT-BXD hướng dẫn việc lập đơn giá khảo sát và quản lý chi phí khảo sát xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 07/2000/TT-BXD
Ngày ban hành 12/07/2000
Ngày có hiệu lực 07/06/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Nguyễn Hồng Quân
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG

******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2000/TT-BXD

Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2000 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP ĐƠN GIÁ KHẢO SÁT VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ KHẢO SÁT XÂY DỰNG

Căn cứ Quy chế Quản lý Đầu tư và Xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính Phủ; Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/05/2000 của Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý Đầu tư và Xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số   52/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính Phủ.
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 04/3/1994 của Chính Phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
Căn cứ Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng số  06/2000/QĐ-BXD ngày 22  tháng 05 năm 2000 về việc ban hành định mức dự toán khảo sát xây dựng.
Thực hiện việc quản lý nhà nước thống nhất trong lĩnh vực khảo sát xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng của Nhà nước, Bộ Xây dựng hướng dẫn việc lập đơn giá khảo sát và quản lý chi phí khảo sát xây dựng như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

I.1. Dự toán chi phí khảo sát xây dựng (sau đây được gọi tắt là dự toán chi phí khảo sát) được lập theo phương pháp hướng dẫn của Thông tư này là căn cứ để xác định dự toán chi phí công tác khảo sát làm cơ sở cho việc đấu thầu để lựa chọn nhà thầu khảo sát và ký kết hợp đồng khảo sát xây dựng theo giá trúng thầu.

II.2. Mọi đối tượng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước quy định tại các điều 10, 11 và 12 Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính Phủ để chi cho công tác khảo sát xây dựng đều phải tuân theo hướng dẫn về lập đơn giá và quản lý chi phí khảo sát quy định trong Thông tư này.

II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP LẬP ĐƠN GIÁ KHẢO SÁT VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ KHẢO SÁT XÂY DỰNG

II.1. Đơn giá khảo sát

II.1.1. Nội dung đơn giá khảo sát

1. Đơn giá khảo sát là biểu hiện bằng tiền của chi phí xã hội cần thiết (theo dự tính) để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác khảo sát nhất định do Chủ tịch UBND Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung Ương (sau đây gọi tắt là Tỉnh, Thành phố) ban hành áp dụng cho tất cả các công tác khảo sát xây dựng của các dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn Tỉnh, Thành phố. Riêng các Tỉnh, Thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ có sự thỏa thuận của Bộ Xây dựng trước khi ban hành.

2. Cấu thành của đơn giá khảo sát : bao gồm các khoản sau:

- Chi phí trực tiếp;

- Chi phí chung;

- Thu nhập chịu thuế tính trước.

Nội dung của từng khoản nêu trên như sau:

a. Chi phí trực tiếp: Là những chi phí liên quan trực tiếp đến việc thực hiện công tác khảo sát như: chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí sử dụng máy (thiết bị).

Nội dung của các chi phí nêu trên là:

a.1. Chi phí vật liệu là các chi phí vật liệu, nhiên liệu trực tiếp thực hiện công tác khảo sát, trong chi phí vật liệu không gồm thuế giá trị gia tăng đối với các vật liệu và nhiên liệu này. Chi phí vật liệu gồm:

- Chi phí vật liệu chính, phụ, vật liệu luân chuyển (gỗ chống, chèn, ống chống vv..)

- Chi phí nhiên liệu cho sử dụng máy

a.2. Chi phí nhân công: Là toàn bộ chi phí nhân công trực tiếp thực hiện công tác khảo sát kể cả nhân công điều khiển máy; bao gồm:

- Lương chính, lương phụ, phụ cấp lương;

- Một số chi phí có thể khoán trực tiếp cho người lao động.

a.3. Chi phí sử dụng máy (thiết bị) gồm:

Chi phí khấu hao, bảo dưỡng, sửa chữa máy, chi khác của máy. Trong chi phí  sử dụng máy không gồm chi phí nhân công điều khiển máy và chi phí nhiên liệu sử dụng máy vì hai khoản chi phí này đã được tính trong chi phí vật liệu và chi phí nhân công ở điểm a.1 và a.2 nói trên.

b. Chi phí chung gồm:

- Chi phí cho hoạt động của bộ máy quản lý, như: lương, bảo hiểm xã hội, phương tiện làm việc, bồi dưỡng nghiệp vụ vv...

- Chi phí phục vụ công nhân

[...]