Thông tư 114/2003/TT-BTC hướng dẫn thi hành về chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2004 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 114/2003/TT-BTC
Ngày ban hành 28/11/2003
Ngày có hiệu lực 01/01/2004
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số:114/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 114/2003/TT-BTC NGÀY 28 THÁNG 11 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2004

Căn cứ Nghị quyết số 17/2003/QH11 ngày 04/11/2003 của Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 4 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 18/2003/QH11 ngày 10/11/2003 của Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 4 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 423/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 12/11/2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm đầu thời kỳ ổn định;
Căn cứ Quyết định số 242/2003/QĐ-TTg ngày 17/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2004;
Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về chủ trương và biện pháp tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước năm 2004 như sau:

I- VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC:

1- Nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Trong phạm vi nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách địa phương được phân cấp, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là cấp tỉnh) quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Từ năm ngân sách 2004, toàn bộ các khoản thu, chi thuộc ngân sách cấp xã được quản lý, hạch toán đầy đủ vào ngân sách nhà nước từ khâu lập dự toán đến khâu quyết toán ngân sách.

2- Thời kỳ ổn định ngân sách địa phương là 3 năm, từ năm ngân sách 2004 đến hết năm ngân sách 2006. Trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương thực hiện: ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các nguồn thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; ổn định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương (nếu có); địa phương sử dụng nguồn thu được hưởng theo phân cấp và số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương (nếu có) để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương đã được phân cấp.

3- Đối với khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hoá, dịch vụ trong nước, phí xăng dầu phát sinh và phải nộp ngân sách trong năm 2003 theo chế độ quy định, ngân sách Trung ương hưởng 100%. Các khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hoá, dịch vụ trong nước, phí xăng dầu nộp ngân sách từ ngày 01/01/2004 theo đúng chế độ quy định, thực hiện phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ phần trăm (%) đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 242/2003/QĐ-TTg ngày 17/11/2003.

4- Từ năm 2004, bỏ cơ chế cấp lại, đầu tư trở lại toàn bộ hoặc một phần từ các nguồn thu phát sinh trên địa bàn hoặc các khoản thu do các doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước cho Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty nhà nước và các đơn vị. Đối với các công trình, dự án, nhiệm vụ quan trọng trước đây được cấp lại, đầu tư trở lại, đang thực hiện cần tiếp tục đầu tư; năm 2004 các Bộ, cơ quan Trung ương, các Tổng công ty tổ chức thực hiện trong phạm vi dự toán ngân sách; các địa phương thực hiện trong dự toán số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương Thủ tướng Chính phủ đã giao. Riêng nguồn thu sử dụng đất thực hiện cơ chế cân đối trong ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng cho đầu tư phát triển, không cân đối nguồn thu này cho nhiệm vụ chi thường xuyên.

5- Chuyển phương thức cân đối ngân sách và hình thức cấp phát kinh phí uỷ quyền sang hình thức bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương đối với các nhiệm vụ trợ cước, trợ giá các mặt hàng chính sách, chuẩn bị động viên, chương trình biển đông - hải đảo.

Đối với kinh phí trợ cước, trợ giá và cấp không thu tiền một số mặt hàng chính sách, căn cứ mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và kinh phí cân đối trong dự toán ngân sách địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội động nhân dân quyết định mục tiêu, nội dung thực hiện (mặt hàng, sản phẩm, định mức hỗ trợ, địa bàn, đối tượng được hưởng trợ cước, trợ giá và cấp không thu tiền một số mặt hàng chính sách) cho phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, báo cáo Bộ Tài chính, Uỷ ban Dân tộc biết để theo dõi chỉ đạo quá trình tổ chức thực hiện.

II- VỀ CĂN CỨ, YÊU CẦU, NỘI DUNG PHÂN BỔ
VÀ GIAO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
:

1- Về phân bổ, giao dự toán thu ngân sách nhà nước:

Căn cứ các Luật thuế, các chế độ chính sách thu, các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh của nhà nước; mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, khả năng phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ cụ thể của các tổ chức, cá nhân; yêu cầu thực hiện các biện pháp đấu tranh chống thất thu, gian lận thương mại. Các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai giao nhiệm vụ thu cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới đảm bảo bằng và phấn đấu cao hơn mức dự toán thu năm 2004 Thủ tướng Chính phủ đã giao, Bộ Tài chính đã hướng dẫn.

2- Về phân bổ, giao dự toán chi ngân sách nhà nước.

a) Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, khi phân bổ, giao dự toán chi cho các cơ quan, đơn vị phải khớp đúng dự toán chi được Thủ tướng Chính phủ giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi; ưu tiên đối với những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật; đảm bảo vốn đối với những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã quyết định; phân bổ dự toán chi phải đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; đúng thủ tục theo quy định của pháp luật.

b) Năm 2004, các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương khi phân bổ, giao dự toán chi xây dựng cơ bản phải thực hiện đúng những quy định về quản lý vốn đầu tư xây dựng, đảm bảo yêu cầu sau:

Dành một phần vốn đầu tư từ ngân sách năm 2004 được giao để thanh toán số nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn ngân sách nhà nước từ năm 2003 trở về trước; trả nợ các khoản nợ vay tín dụng ưu đãi để thực hiện chương trình kiến cố hoá kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề, hạ tầng thuỷ sản; bố trí vốn để thực hiện những dự án quan trọng chuyển tiếp, vốn đối ứng cho các công trình, dự án ODA; sau khi ưu tiên bố trí vốn để thực hiện những nhiệm vụ trên mới bố trí vốn đối với những dự án, công trình khởi công mới. Các dự án được bố trí phải phù hợp với quy hoạch, đảm bảo đầy đủ thủ tục đầu tư, không vượt quá mức dự toán được giao; Bố trí các dự án nhóm B từ khởi công đến khi hoàn thành tối đa là 4 năm, các dự án nhóm C tối đa là 2 năm.

c) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi phân bổ, giao dự toán 2004 đảm bảo những yêu cầu chủ  yếu sau:

- Dự toán chi phân bổ cho các cơ quan, đơn vị và cấp dưới đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và khoa học công nghệ (bao gồm cả chi đầu tư phát triển và thường xuyên) không được thấp hơn mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Đơn vị dự toán cấp trên phân bổ, giao dự toán chi cho các đơn vị cấp dưới phải khớp đúng dự toán chi được Uỷ ban nhân dân giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi.

- Bố trí kinh phí thực hiện những nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, trong đó tập trung ưu tiên đảm bảo thực hiện những quyết định quan trọng sau:

+ Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg ngày 08/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên.

+ Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg ngày 07/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội ở 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc thời kỳ 2001 - 2005.

+ Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg ngày 06/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2001 - 2005.

+ Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung đến năm 2010.

+ Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 5/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002 - 2010”.

+ Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học.

+ Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo.

[...]