Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 11-LĐTBXH/TT năm 1995 hướng dẫn Nghị định 179/CP về tiền lương đối với lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 11-LĐTBXH/TT
Ngày ban hành 03/05/1995
Ngày có hiệu lực 01/01/1995
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Trần Đình Hoan
Lĩnh vực Đầu tư,Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-LĐTBXH/TT

Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 1995

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG -THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 11-LĐTBXH-TT NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 197-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC TRONG CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI HOẶC QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM 

Thi hành Nghị định số 197-CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương, sau khi trao đổi ý kiến với Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và một số Bộ, ngành có liên quan; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện về tiền lương đối với lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất, khu công nghiệp và các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG:

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Đối tượng và phạm vi áp dụng tiền lương theo Thông tư này là đối tượng, phạm vi quy định tại khoản 5, khoản 6, Điều 1 của Nghị định số 197/CP, cụ thể:

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ban hành năm 1987 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 30-6-1990 và ngày 23-12-1992;

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bên nước ngoài hợp doanh được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất theo Nghị định số 332/HĐBT, ngày 18-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và trong khu công nghiệp theo Nghị định số 192/CP ngày 15-12-1994 của Chính phủ;

- Các Văn phòng đại diện kinh tế, thương mại nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo giấy phép của Bộ Thương mại cấp có thuê mướn lao động là người Việt Nam;

- Các cơ quan đại diện ngoại giao (Đại sứ quán, Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán, cơ quan đại diện...), các tổ chức quốc tế hoặc tổ chức phi Chính phủ, các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình nước ngoài đặt tại Việt Nam có thuê mướn lao động là người Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết hoặc có quy định khác;

- Người nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài lưu trú tại Việt Nam có thuê lao động là người Việt Nam theo Nghị định số 839/HĐBT ngày 10-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

2. Đối tượng và phạm vi không áp dụng:

Lao động là người Việt Nam làm việc trong các tổ chức của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước ban hành ngày 22-6-1994.

II- LƯƠNG TỐI THIỂU, HỆ THỐNG THANG, BẢNG LƯƠNG:

1. Lương tối thiểu:

Lương tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 3 của Nghị định số 197/CP được thực hiện như sau:

a) Mức lương tối thiểu là mức lương trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất (không qua đào tạo) với điều kiện lao động và môi trường lao động bình thường.

b) Mức lương tối thiểu được quy định tính bằng đồng đô la Mỹ (USD/tháng).

Mức lương tối thiểu hiện nay là 35 USD/tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; 30 USD/tháng áp dụng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên các tỉnh, thành phố, thị xã thị trấn còn lại hoặc các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đơn giản thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản. Đối với các ngành, nghề đã được thoả thuận mức lương tối thiểu cao hơn thì tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu đó cho đến khi có quyết định mới.

Mức lương tối thiểu này có thể vận dụng để trả cho lao động trong thời gian thử việc nhưng tối đa không quá 60 ngày theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 198/CP ngày 31-12-1994 của Chính phủ trong trường hợp mức lương thử việc thấp hơn mức lương tối thiểu.

Không được dùng mức lương tối thiểu để trả cho lao động chuyên môn, kỹ thuật đã qua đào tạo.

2. Thang lương, bảng lương, phụ cấp lương:

Thang lương, bảng lương, mức lương, phụ cấp lương và quy chế trả lương quy định tại Điều 22 của Nghị định số 197/CP được thực hiện như sau:

a) Doanh nghiệp được xây dựng và áp dụng hệ thống thang lương bảng lương theo ngành nghề hoặc nhóm ngành nghề tương ứng với hệ thống thang lương, bảng lương nghề hoặc nhóm ngành, nghề do Chính phủ quy định đối với các doanh nghiệp trong nước theo nguyên tắc sau:

- Số bậc của thang lương, bảng lương tuỳ thuộc vào mức độ phức tạp của công việc đòi hỏi nhưng hệ số mỗi bậc lương không thấp hơn hệ số bậc tương ứng trong các thang lương, bảng lương áp dụng đối với các doanh nghiệp trong nước; bội số của thang lương không được thấp hơn bội số thang lương theo ngành, nghề hoặc nhóm ngành, nghề áp dụng đối với các doanh nghiệp trong nước.

- Mức lương bậc 1 của các thang lương, bảng lương trong điều kiện lao động bình thường phải cao hơn mức lương tối thiểu (30 hoặc 35 USD/tháng tuỳ từng vùng, từng nghề theo quy định tại Quyết định số 242/LĐTBXH-QĐ ngày 5-5-1992 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

- Việc xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương cần lấy ý kiến của tổ chức Công đoàn cơ sở hoặc tổ chức Công đoàn lâm thời nơi chưa có tổ chức Công đoàn chính thức và ghi vào thoả ước lao động tập thể.

b) Đối với doanh nghiệp mới thành lập còn có khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa thể áp dụng ngay hệ thống thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định thì trong thời gian tối đa 6 tháng người sử dụng lao động có thể trả thấp hơn 10% - 15% mức lương tính theo hệ số bậc lương tương ứng hệ số bậc lương theo ngành, nghề, nhóm ngành, nghề trong các thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định đối với các doanh nghiệp trong nước nhưng mức lương của bậc thấp nhất trong nước không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Trước khi thực hiện phải tham khảo ý kiến của tổ chức Công đoàn cơ sở hoặc tổ chức Công đoàn lâm thời nơi chưa có tổ chức Công đoàn chính thức và đăng ký với cơ quan lao động địa phương. Sau thời gian quy định nói trên phải thực hiện trả lương theo đúng quy định của Nhà nước.

[...]