Thông tư 11-LĐ/TT-1973 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp công trường do Bộ Lao động ban hành
Số hiệu | 11-LĐ/TT |
Ngày ban hành | 11/10/1973 |
Ngày có hiệu lực | 07/07/1973 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động |
Người ký | Nguyễn Hữu Khiếu |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
BỘ
LAO ĐỘNG |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 11-LĐ/TT |
Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 1973 |
HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CÔNG TRƯỜNG
Để thi hành nghị quyết số 116-CP ngày 7-7-1973 của Hội đồng Chính phủ (điểm 3 mục C) về chế độ phụ cấp công trường, Bộ Lao động ra thông tư hướng dẫn cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP CÔNG TRƯỜNG
1. Sau chiến tranh, nhiệm vụ xây dựng cơ bản rất khẩn trương va to lớn. Những chế độ đãi ngộ hiện hành đã chú ý đến đặc điểm, tính chất của nghề xây dựng; ngoài các mức lương cơ bản, quyết định số 4-CP ngày 5-1-1971 của Hội đồng Chính phủ đã bổ sung một số chế độ như xác định khung bậc lương các nghề, đặt chế độ phụ cấp lưu động… Một số chế độ khác cũng đã được bổ sung như nâng tiêu chuẩn cung cấp lương thực, thực phẩm, trang bị thêm quần áo làm việc, nâng cao mức sinh hoạt phí của học sinh học một số nghề xây dựng. Nhưng nhìn chung điều kiện lao động và sinh hoạt công nhân, viên chức trên các công trường xây dựng cơ bản còn nhiều khó khăn. Vì vậy, nghị quyết số 116-CP ngày 7-7-1973 của Hội đồng Chính phủ (ngoài những chủ trương biện pháp nhằm đảm bảo cung cấp lương thực và thực phẩm) đã đặt một khoản gọi phụ cấp gọi là phụ cấp công trường bằng 100% lương cấp bậc hoặc chức vụ để thi hành cho công nhân ,viên chức Nhà nước làm việc ở các công trường xây dựng thủy lợi, giao thông, công nghiệp và dân dụng trong những ngày làm việc.
2. Phụ cấp công trường là một khoản tiền lương tăng thêm phải trả cho công nhân, viên chức trong những ngày làm việc, nhằm:
- Kích thích thêm về mặt vật chất đối với công nhân, viên chức làm việc ở các công trường;
- Phân biệt đãi ngộ giữa ngày làm việc và không làm việc để động viên công nhân, viên chức đảm bảo ngày công, giờ công chế độm bồi dưỡng thiết thực những người có nhiệt tình vói công việc, tăng năng suất lao động, hiệu suất công tác, và trên cơ sở đó tăng thêm thu nhập.
Theo tinh thần ấy, phụ cấp công trường thì được hưởng theo số ngày làm việc. Nhưng do đặc điểm của công trường, những trường hợp sau đây cũng được hưởng phụ cấp:
- Những ngày nghỉ theo chế độ được hưởng 100% tiền lương do quỹ lương đài thọ, như: ngày lễ, nghỉ hàng năm, nghỉ về việc riêng quy định tại nghị định số 28-TTg ngày 28-1-1959;
- Những ngày đi di chuyển công trường;
- Những ngày đi công tác, đi họp, đi học ở các lớp bổ túc kỹ thuật, nghiệp vụ ngắn hạn từ 3 tháng trở xuống;
- Những buổi đi khám bệnh do quỹ lương đài thọ;
- Những ngày đi luyện tập quân sự theo chế độ của Nhà nước quy định;
- Trường hợp được huy động làm thêm giờ;
-Những người hưởng mức lương nông có hại.
Đối với công nhân làm khoán và hưởng lương theo sản phẩm thì phụ cấp này được tính vào đơn giá trả lương. Trong điều kiện chưa tính vào đơn giá trả lương, thì trả theo lương cấp bậc.
3. Những trường hợp dưới đây không đươc hưởng phụ cấp công trường:
- Các trường hợp nghỉ do quỹ bảo hiểm xã hội trợ cấp như: ốm đau, tai nạn lao động, điều trị hay điều dưỡng, nghỉ đẻ… (áp dụng đối với công nhân, viên chức hưởng lương ngày cũng như công nhân hưởng lương theo sản phẩm);
- Những ngày nghỉ như: ngừng việc có báo trước, công nhân, viên chức không phải đến nơi làm việc; nghỉ việc riêng khác với những trường hợp quy định tại nghị định số 28-TTg ngày 28-1-1959
4. Những công nhân, viên chức thuộc các đối tượng được hưởng phụ cấp công trường, nếu được điều động sang công tác khác không có phụ cấp công trường hoặc được cử đi học dài hạn (trên 3 tháng) thì không được hưởng phụ cấp công trường kể từ những ngày điều động.
II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP CÔNG TRƯỜNG
1. Là công nhân, viên chức trong biên chế Nhà nước làm việc xây dựng cơ bản trong các đơn vị sau đây:
a) Các đơn vị kiến thiết giao thầu bên cạnh công trường;
b) Các đơn vị kiến thiết tự làm (cơ quan hành chính, sự nghiệp tự làm công tác xây dựng cơ bản của mình);
c) Các xí nghiệp xây lắp quốc doanh nhận thầu chuyên nghiệp bao gồm cả:
- Các tổ chức sản xuất kinh doanh phụ và phụ trợ (sản xuất vật liệu, chế tạo cấu kiện, vận tải, cung ứng) trực thuộc các xí nghiệp đó hoặc cùng các xí nghiệp đó hợp thành một xí nghiệp liên hợp;
- Các tổ chức sản xuất kinh doanh cấp trên của các xí nghiệp xây lắp đó (tổng công ty xây lắp, tổng đội công trình, liên hiệp xí nghiệp…) nhưng các tổ chức cấp trên này phải là những xí nghiệp chứ không phải là những cơ quan quản lý Nhà nước (như các Tổng cục, Cục Sớ, Ty…).