Thông tư 109/2020/TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 109/2020/TT-BTC
Ngày ban hành 25/12/2020
Ngày có hiệu lực 08/02/2021
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/2020/TT-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội khoá XIV về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

Căn cứ Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Chương I

PHÂN CẤP NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI VÀ PHÂN BỔ, GIAO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021

Điều 1. Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước

1. Thực hiện cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước và Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ.

2. Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội, năm 2021 tiếp tục ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã được Quốc hội quyết định năm 2017; ổn định số bổ sung cân đối ngân sách (nếu có) từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo mức đã được Quốc hội quyết định năm 2020; bổ sung cho ngân sách địa phương để thực hiện tiền lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng được Thủ tướng Chính phủ giao cho từng địa phương tại Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2020.

3. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương thực hiện theo đúng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã quyết định đối với năm ngân sách trong thời kỳ ổn định. Đối với năm 2021, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới so với năm 2020. Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động làm ngân sách địa phương tăng thu lớn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Luật ngân sách nhà nước.

Đồng thời, ngân sách cấp tỉnh bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới để thực hiện tiền lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

4. Tiếp tục thực hiện giữ ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia, cơ chế điều tiết một số khoản thu đặc thù như sau:

a) Thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu: Năm 2021 tiếp tục ổn định tỷ lệ (%) thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu như đối với năm 2017 - năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020. Theo đó: 37,2% số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu là khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; 62,8% số thu thuế bảo vệ môi trường điều tiết 100% số thu về ngân sách trung ương. Cơ quan thuế phối hợp với Kho bạc Nhà nước hướng dẫn người nộp thuế kê khai, nộp thuế đúng mục lục ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách đối với số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu;

b) Tiếp tục thực hiện điều tiết ngân sách trung ương 100% số thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn;

c) Tiếp tục thực hiện điều tiết tiền thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước như phân cấp quy định tại Nghị quyết số 64/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (đối với giấy phép do cơ quan trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu cho ngân sách trung ương, 30% số thu cho ngân sách địa phương; đối với giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thực hiện phân chia 100% số thu cho ngân sách địa phương);

d) Thực hiện thu cân đối ngân sách nhà nước và hạch toán thu ngân sách trung ương đối với toàn bộ phần lãi dầu, khí nước chủ nhà và lợi nhuận được chia từ Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro);

đ) Tiếp tục thực hiện điều tiết 100% về ngân sách trung ương số thu từ xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan quản lý thị trường;

e) Nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô, phí bảo đảm hàng hải (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) tiếp tục nộp ngân sách trung ương sử dụng để duy tu, bảo trì đường bộ và đảm bảo an toàn hàng hải;

Tiếp tục thực hiện phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô theo tỷ lệ tương ứng là 65% và 35% để chi cho quản lý, bảo trì đường bộ;

g) Tiếp tục thực hiện cơ chế cân đối nguồn thu tiền sử dụng đất trong dự toán ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội;

h) Tiếp tục sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết trong dự toán ngân sách địa phương cho đầu tư phát triển. Trong đó, các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên bố trí tối thiểu 60%, các tỉnh Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bố trí tối thiểu 50% số thu dự toán từ hoạt động xổ số kiến thiết do Hội đồng nhân cấp tỉnh quyết định để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề (bao gồm cả đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông) và lĩnh vực y tế; phần còn lại các địa phương bố trí ưu tiên chi thực hiện các công trình, dự án đầu tư phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, nông thôn mới và các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Điều 2. Giao dự toán thu ngân sách nhà nước

[...]