Nghị quyết 129/2020/QH14 năm 2020 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 do Quốc hội ban hành

Số hiệu 129/2020/QH14
Ngày ban hành 13/11/2020
Ngày có hiệu lực 28/12/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 129/2020/QH14

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÂN BỔ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG NĂM 2021

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 36/BC-CP, Báo cáo số 37/BC-CP ngày 15 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 2240/BC-UBTCNS14 ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Báo cáo tiếp thu, giải trình số 615/BC-UBTVQH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tổng số thu và chi ngân sách trung ương năm 2021

1. Tổng số thu ngân sách trung ương là 739.401 tỷ đồng (bảy trăm ba mươi chín nghìn, bốn trăm lẻ một tỷ đồng). Tổng số thu ngân sách địa phương là 603.929 tỷ đồng (sáu trăm lẻ ba nghìn, chín trăm hai mươi chín tỷ đồng).

2. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.058.271 tỷ đồng (một triệu, không trăm năm mươi tám nghìn, hai trăm bảy mươi mốt tỷ đồng), trong đó dự toán 350.804 tỷ đồng (ba trăm năm mươi nghìn, tám trăm lẻ bốn tỷ đồng) để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Điều 2. Phân bổ ngân sách trung ương năm 2021

1. Phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng Bộ, cơ quan trung ương theo các phụ lục số I, II, III và IV kèm theo.

2. Phân bổ số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo các phụ lục số V và VI kèm theo.

3. Mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo Phụ lục số VII kèm theo.

Điều 3. Giao Chính phủ

1. Giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Giao, hướng dẫn nhiệm vụ thu, chi năm 2021 cho các cơ quan, đơn vị này tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với năm 2020.

Cho phép bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2021 để thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ, dự án đầu tư dở dang thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 cần tiếp tục triển khai trong năm 2021 cho đến khi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội quyết định có hiệu lực; đối với một số khoản chi đã có cơ chế, chính sách xác định được nhiệm vụ nhưng chưa có cơ sở tính toán để phân bổ, bố trí cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát, phân bổ cụ thể đúng quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật Đầu tư công, nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan; ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, dự án cấp bách, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; bố trí vốn cho các dự án đã thực hiện thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung cho các dự án có khả năng hoàn thành; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định, không bố trí vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục đầu tư theo quy định. Đối với các nhiệm vụ, dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, cần tiếp tục hoàn thiện, phân bổ sau khi Quốc hội khóa XV quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

4. Điều hành kinh phí chi trả chi phí phát hành, mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2021 được Quốc hội quyết định. Chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

5. Tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện các chính sách về tiền lương, an sinh xã hội do Trung ương ban hành theo nguyên tắc hỗ trợ của giai đoạn 2017 - 2020.

Đối với một số địa phương thu ngân sách địa phương năm 2021 giảm lớn, ngân sách trung ương hỗ trợ bảo đảm mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2021 không thấp hơn dự toán năm 2017 tính theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; đồng thời, hỗ trợ theo quy định để đảm bảo các địa phương này đủ nguồn kinh phí thực hiện chính sách tiền lương, chính sách an sinh xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

Điều 4. Giám sát và kiểm toán việc phân bổ ngân sách trung ương

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác ở Trung ương và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.

2. Kiểm toán Nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiến hành kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020.

[...]