Thông tư 108TC/ĐT năm 1994 hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 108TC/ĐT
Ngày ban hành 08/12/1994
Ngày có hiệu lực 08/12/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký
Lĩnh vực Đầu tư,Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 108TC/ĐT

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 108 TC/ĐTNGÀY 8/12/1994 HƯỚNG DẪN QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

Căn cứ Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 177/CP ngày 20/10/1994 của Chính phủ; Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư như sau:

Phần 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

- Chủ đầu tư các dự án thuộc sở hữu Nhà nước phải báo cáo vốn đầu tư thực hiện hàng năm và quyết toán vốn đầu tư khi dự án đầu tư hoàn thành (hoặc hạng mục công trình hoàn thành) đưa vào sản xuất, sử dụng.

- Báo cáo vốn đầu tư phải đảm bảo xác định đầy đủ, chính xác số vốn đầu tư thực hiện hàng năm; quyết toán tổng mức vốn đã đầu tư xây dựng công trình, xác định giá trị tài sản bàn giao cho sản xuất, sử dụng.

- Dự án đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, khi quyết toán phải phân tích rõ từng nguồn vốn.

- Quyết toán vốn đầu tư phải được kiểm toán, đảm bảo thời gian, nội dung và quy trình lập, thẩm tra và phê duyệt được quy định tại Thông tư này.

- Thông qua công tác quyết toán vốn đầu tư, đánh giá kết quả của quá trình đầu tư, rút kinh nghiệm nhằm tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

Phần 2:

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

A. NỘI DUNG BÁO CÁO VÀ QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

I. Báo cáo vốn đầu tư thực hiện hàng năm

- Kế hoạch đầu tư trong năm

- Giá trị khối lượng thực hiện trong năm và luỹ kế từ khởi công.

- Tổng số vốn đầu tư đã được cấp phát trong năm và luỹ kế từ khởi công. Đối với các dự án có vốn nước ngoài (vay nợ, viện trợ) phải có báo cáo riêng về vốn nước ngoài đã nhận và sử dụng gửi các tổ chức quốc tế cho vay vốn.

Nội dung của các điểm trên đây được chia ra các nguồn vốn, thành phần vốn (chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án) và cơ cấu vốn (xây lắp, thiết bị, kiến thiết cơ bản khác).

- Tình hình bàn giao các hạng mục công trình hoàn thành đưa vào sản xuất, sử dụng trong năm.

- Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch và kết quả đầu tư trong năm, các vấn đề khó khăn, tồn tại và kiến nghị giải quyết.

II. Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành (hoặc hạng mục công trình hoàn thành)

1. Xác định tổng mức vốn đầu tư thực hiện dự án từng năm.

- Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án gồm toàn bộ vốn cho thực hiện dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, kết thúc xây dựng đưa dự án vào khai thác sử dụng.

- Tổng vốn đầu tư thực hiện phải phân ra các nguồn vốn theo quy định tại điều 8, Chương I Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng (gồm vốn ngân sách, vốn tín dụng Nhà nước, vốn vay Ngân hàng, vốn của doanh nghiệp, vốn hợp tác liên doanh với nước ngoài, vốn góp của nhân dân...).

- Tổng vốn đầu tư thực hiện phân theo cơ cấu vốn gồm vốn xây lắp, vốn thiết bị, vốn chi phí khác.

2. Xác định các chi phí không tính vào giá trị tài sản.

Các chi phí không tính vào giá trị tài sản dự án gồm:

- Các thiệt hại do thiên tai, địch hoạ và các nguyên nhân bất khả kháng không thuộc phạm vi và đối tượng được bảo hiểm theo quy định tại điều 52, Chương VI của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ bảo hiểm công trình xây dựng.

[...]