Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 106/2003/TT-BTC hướng dẫn quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc xã, thị trấn do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 106/2003/TT-BTC
Ngày ban hành 07/11/2003
Ngày có hiệu lực 28/11/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Công Nghiệp
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ TÀI CHÍNH 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do-Hạnh phúc

Số:106/2003/TT-BTC 

Hà Nội, ngày07 tháng11 năm2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 106/2003/TT-BTC NGÀY 07 THÁNG 11 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN THUỘC XÃ, THỊ TRẤN

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 đã được Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ II thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ  Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý vốn đầu tư XDCB thuộc xã, thị trấn như sau:

        I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này áp dụng cho các dự án đầu tư của xã, thị trấn quản lý (sau đây gọi chung là  xã) để xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình phúc lợi (trường học, trạm y tế, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà văn hoá, thư viện, đài tưởng niệm, cơ sở thể dục thể thao,...), công trình hạ tầng (cầu cống, đường giao thông, công trình thoát nước công cộng, vỉa hè,...) bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước được Hội đồng nhân dân xã thông qua. Các nguồn vốn khác quy định tại điểm 1.2; 1.3, Mục II dưới đây khuyến khích vận dụng theo Thông tư này.

2. Các dự án đầu tư do cấp xã quản lý phải có trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế xã hội của xã, có đầy đủ thủ tục đầu tư và xây dựng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Nghiêm cấm việc triển khai dự án khi chưa có nguồn vốn đảm bảo. Các khoản đóng góp bằng tiền của các tổ chức, cá nhân; vốn hỗ trợ của các tổ chức trong nước; vốn viện trợ của các tổ chức, cá nhân ngoài nước để đầu tư cho các dự án do xã quản lý phải gửi vào tài khoản ngân sách xã.

4. Chủ tịch UBND xã thực hiện việc quản lý vốn đầu tư phải đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, dân chủ công khai, minh bạch; chấp hành đúng chế độ quản lý tài chính - đầu tư - xây dựng của Nhà nước và các quy định cụ thể tại Thông tư này.

5. Ban Tài chính xã giúp chủ đầu tư thực hiện  quản lý chi phí của các dự án thuộc xã quản lý theo quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định cụ thể của Thông tư này.

6. Cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đầu tư và xây dựng cấp trên, Kho bạc nhà nước nơi trực tiếp kiểm soát chi theo chức năng nhiệm vụ được giao tạo điều kiện hướng dẫn các xã tổ chức triển khai các dự án đầu tư do xã quản lý theo quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định cụ thể của Thông tư này.

7. Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng quản lý của chính quyền xã, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc phân cấp quản lý dự án đầu tư của xã cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. 

II. NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN DO CẤP XÃ QUẢN LÝ:

1. Nguồn vốn NSNN đầu tư các dự án do cấp xã quản lý bao gồm:

1.1. Vốn ngân sách nhà nước:

+ Vốn ngân sách nhà nước cấp xã dành cho đầu tư;

+ Vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cấp trên cho các dự án do cấp xã quản lý.

+ Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án cụ thể được Hội đồng nhân dân xã thông qua và được đưa vào ngân sách xã để quản lý;

1.2. Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân trong nước để đầu tư cho các dự án do cấp xã quản lý;

1.3. Các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân ngoài nước để đầu tư cho các dự án do cấp xã quản lý;

2. Việc quản lý nguồn vốn huy động đóng góp của nhân dân trong xã, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức các nhân trong nước (1.2), nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân ngoài nước (1.3) để đầu tư cho các dự án do cấp xã quản lý được thực hiện như sau:

2.1. Trường hợp đóng góp bằng tiền: Ban Tài chính thực hiện thu và nộp vào tài khoản của ngân sách xã mở tại Kho bạc nhà nước.

2.2. Trường hợp đóng góp bằng hiện vật:

+ Đối với khoản đóng góp bằng vật tư, công lao động của nhân dân trong xã: căn cứ  vào số lượng vật tư, công lao động mà người dân đã đóng góp, UBND xã giao cho Ban Tài chính xã xác định thành tiền theo giá cả vật tư, giá trị ngày công lao động công ích tại địa phương để ghi chi xây dựng cơ bản cho dự án.

+ Đối với hiện vật của tổ chức, cá nhân ngoài nước để đầu tư cho xã, UBND xã thành lập Hội đồng xác định giá trị hàng viện trợ để giao cho Ban quản lý dự án (đối với dự án có thành lập ban quản lý), Ban Tài chính xã (đối với dự án không thành lập ban quản lý) quản lý; đồng thời ghi chi xây dựng cơ bản cho dự án .

III.  LẬP KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ XDCB:

1. Lập kế hoạch năm:

- Hàng năm, căn cứ vào chủ trương đầu tư đã được Hội đồng nhân dân xã thông qua (đối với các dự án mới), căn cứ vào tiến độ thực hiện dự án (đối với các dự án chuyển tiếp), Ban Tài chính xã lập kế hoạch chi đầu tư XDCB cùng với lập dự toán ngân sách xã. Căn cứ vào khả năng ngân sách xã, UBND xã xem xét và trình HĐND xã thông qua kế hoạch vốn đầu tư XDCB của xã (theo biểu số 01 BC/KHĐT). Kế hoạch vốn đầu tư XDCB của xã phải đảm bảo các nội dung sau:

+ Tổng mức vốn đầu tư trong năm có chia theo từng dự án và từng nguồn vốn (nguồn vốn ngân sách xã, nguồn vốn huy động của các tổ chức cá nhân, nguồn vốn huy động của các tổ chức quốc tế, viện trợ; nguồn vốn từ ngân sách cấp trên hỗ trợ);

[...]