Thông tư 10/2011/TT-BGDĐT về Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 10/2011/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 28/02/2011
Ngày có hiệu lực 15/04/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Vũ Luận
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 10/2011/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2011

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHẾ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ THẠC SĨ

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quyết định:

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2011. Thông tư này thay thế Quyết định số 45/2008/QĐ-BGDĐT ngày 5/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ và Thông tư số 08/2009/TT-BGDĐT ngày 21/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Quyết định số 45/2008/QĐ-BGDĐT ngày 5/8/2008.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ hoặc cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội; 
- Văn phòng Chính phủ;
- UBVHGD -TNTN &NĐ của Quốc hội;
- Hội đồng Quốc gia giáo dục;
- Ban tuyên giáo TƯ;
- Bộ Tư pháp (Cục Ktr VBQPPL);
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GDĐT; 
- Lưu VT, Vụ PC, Vụ GDĐH. 

BỘ TRƯỞNG




Phạm Vũ Luận

 

QUY CHẾ

ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ THẠC SĨ
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối t­ượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về đào tạo trình độ thạc sĩ bao gồm: cơ sở đào tạo; tuyển sinh; chương trình đào tạo; tổ chức đào tạo; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm.

2. Văn bản này áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) đã được giao nhiệm vụ hoặc cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ, các tổ chức và cá nhân tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ.

Điều 2. Mục tiêu đào tạo

Đào tạo trình độ thạc sĩ giúp học viên nắm vững lý thuyết, có trình độ cao về thực hành, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc ngành, chuyên ngành được đào tạo.

Điều 3. Thời gian đào tạo

1. Đào tạo trình độ thạc sĩ được thực hiện từ một năm đến hai năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học.

a) Đối với các ngành đào tạo trình độ đại học có thời gian đào tạo từ năm năm trở lên thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ tối thiểu là một năm học.

b) Đối với các ngành đào tạo trình độ đại học có thời gian đào tạo từ bốn năm rưỡi trở xuống thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ là một năm rưỡi đến hai năm học.

2. Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định thời gian đào tạo phù hợp.

Chương II

CƠ SỞ ĐÀO TẠO

Điều 4. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo

1. Xây dựng và ban hành quy định chi tiết về tổ chức, quản lý đào tạo và các hoạt động liên quan đến quá trình đào tạo trình độ thạc sĩ của cơ sở đào tạo trên cơ sở các quy định tại Thông tư này.

2. Xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình, kế hoạch giảng dạy đối với các ngành, chuyên ngành đ­ược giao nhiệm vụ hoặc cho phép đào tạo; lập hồ sơ đề nghị cho phép đào tạo ngành hoặc chuyên ngành mới khi có đủ điều kiện.

[...]