Thông tư 09/2008/TT-BYT hướng dẫn việc kết hợp giữa các cơ sở đào tạo cán bộ y tế với các bệnh viện thực hành trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân dân do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 09/2008/TT-BYT
Ngày ban hành 01/08/2008
Ngày có hiệu lực 09/09/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Quốc Triệu
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

Số: 09/2008/TT-BYT

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC KẾT HỢP GIỮA CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO CÁN BỘ Y TẾ VỚI CÁC BỆNH VIỆN THỰC HÀNH TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP, ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Bộ Y tế hướng dẫn việc kết hợp giữa các cơ sở đào tạo cán bộ y tế với các bệnh viện, viện nghiên cứu và các cơ sở y tế khác trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân dân (sau đây gọi chung là kết hợp viện – trường) như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc kết hợp giữa các cơ sở đào tạo cán bộ y tế với các bệnh viện, viện nghiên cứu và các cơ sở y tế khác trong công tác tổ chức và cán bộ; công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ y tế.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng cho tất cả các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp y tế; các bệnh viện, viện nghiên cứu và các cơ sở y tế khác tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế trên cả nước.

3. Giải thích một số thuật ngữ

“Cơ sở đào tạo” là các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, trường trung cấp, được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ y tế trình độ sau đại học, đại học, cao đẳng và trung cấp.

“Cơ sở thực hành” là bệnh viện, viện nghiên cứu, các cơ sở khám chữa bệnh khác (sau đây gọi chung là các bệnh viện thực hành) được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ khám, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh và tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế.

“Cơ sở thực hành chính” (sau đây gọi là bệnh viện thực hành chính) là cơ sở thực hành của cơ sở đào tạo mà giảng viên, giáo viên (sau đây gọi chung là cán bộ giảng dạy) và học sinh, sinh viên và học viên (sau đây gọi chung là sinh viên) của cơ sở đào tạo đến học tập và làm việc thường xuyên nhất.

Các cơ sở đào tạo với quy mô nhiều sinh viên và nhiều trình độ, nhiều đối tượng đào tạo đòi hỏi nhiều bệnh viện thực hành có thể có một số bệnh viện thực hành chính. Các bệnh viện thực hành còn lại được gọi chung là bệnh viện thực hành khác.

4. Yêu cầu chung đối với các cơ sở đào tạo

Các cơ sở đào tạo đề nghị các bệnh viện thực hành của mình, trong đó có bệnh viện thực hành chính, với cấp có thẩm quyền xem xét thẩm định và phê duyệt theo các quy định hiện hành.

Một cơ sở đào tạo có thể có nhiều bệnh viện thực hành để sinh viên đến thực tập, làm việc và nghiên cứu. Việc xác định các bệnh viện thực hành cần dựa trên các chuyên ngành đào tạo, số lượng sinh viên, số lượng và trình độ của cán bộ chuyên môn của bệnh viện có thể tham gia kết hợp cùng các cơ sở đào tạo hướng dẫn sinh viên thực hành tại bệnh viện, số lượng giường bệnh và các điều kiện cơ sở hạ tầng cần thiết theo các quy định hiện hành.

Đầu năm học, các cơ sở đào tạo phải báo cáo Bộ Y tế và cơ quan có thẩm quyền quản lý về kế hoạch cụ thể kết hợp viện – trường nhằm đảm bảo kế hoạch đào tạo cán bộ y tế và hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời đảm bảo thực hiện các tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo đối với từng chương trình giáo dục cụ thể.

Khuyến khích các cơ sở đào tạo ngành y xây dựng bệnh viện làm cơ sở thực hành.

5. Yêu cầu chung đối với các bệnh viện thực hành

Các bệnh viện thực hành xác định một nhiệm vụ quan trọng là tham gia công tác đào tạo cán bộ y tế. Do đó, việc xác định và tham gia đầy đủ các nội dung kết hợp viện – trường với các cơ sở đào tạo được coi như việc xem xét ưu tiên đầu tư cho phát triển.

Một bệnh viện thực hành có thể kết hợp với nhiều cơ sở đào tạo theo các quy định hiện hành nhưng là bệnh viện thực hành chính thì kết hợp không quá với ba cơ sở đào tạo và phải đảm bảo tỷ lệ tối đa hai sinh viên quy đổi cho 1 giường bệnh, phù hợp với mục tiêu đào tạo và đảm bảo nhiệm vụ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh.

Khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh, cả công lập và ngoài công lập, tham gia kết hợp với các cơ sở đào tạo trong hoạt động kết hợp viện – trường được quy định trong Thông tư này.

II. NGUYÊN TẮC KẾT HỢP VIỆN – TRƯỜNG

1. Kết hợp viện – trường là sự lồng ghép trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cơ sở đào tạo và bệnh viện thực hành nhằm hoàn thành mục tiêu và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe nhân dân và chỉ đạo tuyến dưới trong công tác y tế.

2. Sử dụng tổng hợp tối đa các nguồn lực, bằng cách phối hợp và chia sẻ giữa cơ sở đào tạo và bệnh viện thực hành để phục vụ công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

3. Đảm bảo sự bình đẳng về trách nhiệm và lợi ích giữa cơ sở đào tạo và bệnh viện thực hành cũng như giữa các cán bộ của hai cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

4. Việc kết hợp viện – trường giữa cơ sở đào tạo và các bệnh viện thực hành được thực hiện thông qua văn bản thỏa thuận giữa lãnh đạo của cơ sở đào tạo và bệnh viện thực hành hoặc thông qua hợp đồng trách nhiệm ký kết giữa hai đơn vị, báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý và Bộ Y tế.

III. KẾT HỢP VIỆN – TRƯỜNG VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC VÀ CÁN BỘ

[...]