Thông tư 08-LĐ/TT năm 1959 quy định những nguyên tắc và hướng tuyển chọn công nhân vào bổ túc và đào tạo thợ mới tại các cơ sở sản xuất quốc doanh, các công trường kiến thiết cơ bản và đi học nghề ở nước bạn do Bộ Lao động ban hành

Số hiệu 08-LĐ/TT
Ngày ban hành 10/06/1959
Ngày có hiệu lực 25/06/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH NHỮNG NGUYÊN TẮC VÀ HƯỚNG TUYỂN CHỌN CÔNG NHÂN VÀO BỔ TÚC VÀ ĐÀO TẠO THỢ MỚI TẠI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT QUỐC DOANH, CÁC CÔNG TRƯỜNG KIẾN THIẾT CƠ BẢN VÀ ĐI HỌC NGHỀ Ở NƯỚC BẠN

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

 

- Các Bộ,
- Các cơ quan, đoàn thể trung ương,
- Các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh và thành phố,
- Các Sở, Ty, Phòng Lao động.

Thực hiện kế hoạch Nhà nước, hiện nay, các bộ, các ngành đã và đang có kế hoạch bổ túc và đào tạo hàng vạn công nhân lành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu công cuộc kiến thiết và sản xuất, thực hiện hoàn thành kế hoạch Nhà nước 3 năm ( 1958-1960) đồng thời chuẩn bị lực lượng công nhân thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn sau này.

Công tác này có một ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng to lớn, góp phần vào việc phát triển hàng ngũ giai cấp công nhân nên việc chọn người để đào tạo thành công nhân lành nghề không những đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu về sản xuất đơn thuần, mà phải quán triệt đầy đủ mọi chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong thời gian qua, căn bản các ngành đã chấp hành những điều quy định của Chính phủ, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều thiếu sót:

Chính sách tuyển sinh chưa được quy định cụ thể; việc xét duyệt nhiều lúc không được kỹ, chất lượng chính trị của một số học sinh còn kém; còn hiện tượng cảm tình cá nhân, cục bộ, bản vị, tự giới thiệu bà con họ hàng vào học nghề, tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh chưa tập trung thống nhất vào những cơ quan có trách nhiệm chính do Nhà nước quy định v.v…

Căn cứ nhiệm vụ thống nhất việc quản lý điều hóa phân phối nhân công Chính phủ đã quy định, và chỉ thị số 013-TTg ngày 06-01-1958 của Thủ tướng phủ giao cho Bộ Lao động làm nhiệm vụ tổng hợp công tác đào tạo thợ;

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ và những thông tư quy định của Thủ tướng phủ, Ủy ban Kiện toàn tổ chức trung ương về việc kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh biên chế và điều chỉnh cán bộ;

Căn cứ chỉ thị 4549-TTg ngày 01-07-1957 của Thủ tướng phủ giải thích quyền tự tuyển mộ nhân công của các xí nghiệp quốc doanh, thực hành chế độ hạch toán kinh tế;

Sau khi thảo luận thống nhất với các Bộ, các ngành và các địa phương,

Bộ Lao động ra thông tư này quy định những nguyên tắc và hướng tuyển chọn người để bổ túc và đào tạo công nhân ở các cơ sở sản xuất, các công trường kiến thiết cơ bản v.v… nhằm xây dựng lực lượng công nhân lành nghề, có trình độ giác ngộ chính trị và phẩm chất tốt, đảm bảo phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, đồng thời chấp hành đầy đủ các chính sách của Đảng và luật lệ của Nhà nước.

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG CỦA VIỆC TUYỂN SINH

1. Phải quán triệt quan điểm sản xuất và chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân, nhằm góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đào tạo lực lượng công nhân xây dựng kinh tế miền Nam sau này.

Khi giới thiệu, tuyển chọn học sinh phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn đã quy định, chủ yếu đảm bảo chất lượng chính trị, có ý thức lao động, có sức khỏe, không nên chỉ nặng về giải quyết công việc làm mà tuyển chọn không đúng tiêu chuẩn.

2. Thành phần tuyển vào phải được toàn diện: có cả miền Bắc, miền Nam, nam, nữ, v.v…; ưu tiên tuyển chọn những người đã hoạt động và có thành tích trong công cuộc kháng chiến và lao động kiến thiết hòa bình hiện nay; những người ở trong biên chế hoặc chưa ở trong biên chế nhưng đang ở trong các cơ quan Nhà nước, do Nhà nước quản lý và đài thọ lương bổng; chú ý thích đáng những người đã làm lâu năm trên các công trường và tùy theo việc, tùy theo địa phương mà tuyển chọn một số phụ nữ, một số người thuộc các dân tộc miền núi.

3. Phân phối các nguồn nhân công tuyển chọn phải được hợp lý, nhằm làm cho kế hoạch bổ túc và đào tạo thợ của các ngành đạt kết quả tốt, nhanh, tiết kiệm công quỹ, đồng thời thuận lợi cho việc bố trí sử dụng công nhân sau khi thành nghề.

4. Thống nhất việc tuyển sinh vào các cơ quan đã được Chính phủ quy định: Ở Trung ương thì do Bộ Lao động phụ trách, phối hợp với các Bộ, các ngành có liên quan mà giải quyết; ở địa phương do Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố có cơ quan Lao động giúp việc.

II. CÁC NGUỒN NHÂN CÔNG ĐƯỢC TUYỂN CHỌN

1. Những người thợ nghề còn kém, hoặc chưa được sử dụng đúng nghề trong các cơ quan Nhà nước (gồm số quân nhân quân giới hay công binh có nghề đang ở trong quân đội hoặc đã chuyển sang các ngành khác, số thợ trong các cơ quan hành chính, các công, nông,lâm trường, xí nghiệp, v.v…); những công nhân trong các hợp tác xã sản xuất tiểu thủ công, các tập đoàn sản xuất miền Nam, các xí nghiệp công tư hợp doanh, các xí nghiệp tư doanh và số thợ ở các thành phố; các tỉnh.

2. Quân nhân đã chuyển sang sản xuất và lao động kiến thiết trên các công, nông trường, xí nghiệp.

3. Thương binh có khả năng sản xuất ở các trại thương binh.

4. Nhân viên công tác ở các cơ quan hành chính  cần chuyển sang sản xuất khi chỉnh đốn biên chế.

5. Những người hiện nay Nhà nước đài thọ lương bổng, tuy chưa ở trong biên chế một ngành nào:

- Cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết, vượt tuyến hiện đang ở các trạm chờ bố trí công tác.

- Học sinh miền Nam ở các trường, hoặc ở với gia đình đã đến tuổi lao động, hoặc không đủ tiêu chuẩn theo học văn hóa nữa.

- Việt kiều về nước ở các trạm đón tiếp.

[...]