Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Thông tư 08-LB/TT năm 1960 hướng dẫn chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công nhân, viên chức thôi việc vì già, yếu, mất sức lao động do Bộ Lao Động- Bộ Nội Vụ- Bộ Y Tế- Bộ Tài Chính ban hành.

Số hiệu 08-LB/TT
Ngày ban hành 08/03/1960
Ngày có hiệu lực 23/03/1960
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Nội vụ,Bộ Tài chính,Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Sơn,Phạm Ngọc Thạch,Nguyễn Văn Tạo,Tô Quang Đẩu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - BỘ NỘI VỤ -
BỘ TÀI CHÍNH – BỘ Y TẾ

*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số: 08-LB/TT

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 1960

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC THÔI VIỆC VÌ GIÀ, YẾU, MẤT SỨC LAO ĐỘNG

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Kính gửi:

Các Bộ, các cơ quan, đoàn thể trung ương,
Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố,
Các Sở, Ty, Phòng Lao động.

 

Ngày 07/01/1960, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thông tư số 13-TTg quy định chế độ trợ cấp đối với cán bộ, nhân viên, viên chức thôi việc vì già, yếu, mất sức lao động. Nay Liên bộ giải thích một số điểm cụ thể và hướng dẫn việc thi hành như sau:

Hiện nay ở các cơ quan, doanh, xí nghiệp có một số cán bộ, công nhân, viên chức già yếu, ốm đau, kinh niên, mất sức lao động, không còn khả năng công tác; nếu cứ để họ tiếp tục ở trong biên chế thì không bảo đảm công tác, không bảo đảm sản xuất. Thủ tướng  phủ quy định chế độ trợ cấp nói trên nhằm giúp đỡ những anh chị em đó khi thôi việc, có điều kiện duy trì sinh hoạt. Quy định này xuất phát từ tình hình thực tế, phù hợp với yêu cầu của công tác, của sản xuất, phù hợp với nguyện vọng của anh chị em cũng như khả năng tài chính của Nhà nước, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức.

Theo tinh thần của thông tư của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề này có quan hệ rất lớn đến tư tưởng và đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức. Nếu giải quyết không tốt, sẽ gây những ảnh hưởng xấu về mặt xã hội và chính trị. Vì vậy, trước khi thi hành, các cơ quan, xí nghiệp cần nắm vững chính sách, cân nhắc nhiều mặt để bảo đảm thực hiện đúng chính sách cán bộ của Đảng và Chính phủ.

- Trước hết, cần cố gắng sắp xếp và sử dụng anh chị em vào những công việc nhẹ, hợp với khả năng còn lại của họ, và được hưởng lương theo công việc mới kể từ khi chuyển công tác. Nếu không còn sức lao động không thể tiếp tục công tác và không sắp xếp vào việc gì được nữa, thì cho thôi việc.

Đối với cán bộ, công nhân, viên chức đã tham gia kháng chiến hay hoạt động cách mạng lâu, do hoàn cảnh công tác gian khổ trước đây mà bị ốm đau, mất sức lao động, càng phải thận trọng hơn, chủ yếu là sắp xếp anh chị em vào những công tác thích hợp; trường hợp đặc biệt không thể làm việc được nữa, mới cho thôi việc. Khi cho thôi việc, ở các cơ quan trung ương, cần có ý kiến quyết định của các vị Bộ, Thứ trưởng, ở các địa phương, cần có ý kiến của Ủy ban hành chính từ cấp tỉnh trở lên, và nếu là cán bộ phụ trách (từ Trưởng, Phó Ty trở lên) thì cần có ý kiến của Bộ sở quan.

Cần tránh khuynh hướng muốn giải quyết cho gọn tay, để nhẹ biên chế, mà cho thôi việc hàng loạt; nhưng cũng đề phòng tư tưởng ngại đả thông giải thích, sợ anh em về, đời sống sẽ khó khăn, mà quá dè dặt, không dám cho ai về, ảnh hưởng đến sản xuất và công tác.

Trước khi cho anh em về, cơ quan, xí nghiệp cần giải quyết tư tưởng cho thực thông suốt, điều tra, nắm vững hoàn cảnh gia đình từng người, để có biện pháp phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương giúp đỡ, làm cho họ thực yên tâm khi ra về.

Được hưởng chế độ này là những cán bộ, công nhân, viên chức ở các cơ quan, doanh, xí nghiệp, công, nông, lâm trường (cả hai khu vực hành chính sự nghiệp và sản xuất) kể cả các cơ quan Dân, Đảng, đã ở trong biên chế được 3 năm liền trở lên, nay bị mất sức lao động vì tuổi già, vì ốm đau lâu ngày thành kinh niên, hoặc vì thương tật, thành tàn phế, được Hội đồng giám định y khoa chứng nhận không còn khả năng để tiếp tục làm việc.

Riêng đối với những cán bộ, công nhân, viên chức vì bị tai nạn lao động trước đây (đã được xếp hạng thương tật theo Nghị định số 111-LB ngày 11/11/1955) nay thành tàn phế, mất sức lao động, được Hội đồng giám định y khoa chứng nhận, thì dù thời gian làm việc chưa đủ 3 năm cũng được hưởng chế độ này.

Những người ốm đau còn đương điều trị tại các bệnh viện, bệnh xá hoặc tại cơ quan theo chế độ ngoại trú, thì cần để tiếp tục điều trị; khi hết hạn điều trị cũng sẽ giải quyết theo hướng nói trên.

Còn đối với những người ở trong biên chế chưa đủ 3 năm, nếu thôi việc vì mất sức lao động (không phải do tai nạn lao động) vẫn áp dụng theo Nghị định số 594-TTg. Những người vì khả năng công tác kém, không làm được việc, hoặc thái độ công tác không đúng mức đều không thuộc phạm vi thi hành của chế độ này.

1. Trợ cấp bản thân:

a) Những cán bộ, công nhân, viên chức (kể cả công nhân, viên chức lưu dụng) đã được sắp xếp vào các thang lương chung, được trợ cấp 30% lương cấp bậc (không kể các khoản phụ cấp); từ năm công tác thứ tư trở lên, cứ thêm một năm, được thêm 1% lương cấp bậc.

b) Những công nhân, viên chức lưu dụng chưa sắp xếp vào các thang lương chung, vẫn còn hưởng nguyên lương thì được trợ cấp bằng 30% lương chính (không kể các khoản phụ cấp) và từ năm thứ tư trở lên, cứ thêm một năm làm việc cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa được thêm 1% lương chính, nhưng mức trợ cấp tối đa không qúa 85 đồng.

Khoản trợ cấp hàng tháng của hai loại (a và b) nói trên, nếu thấp hơn mức quy định dưới đây thì được nâng lên cho đủ:

- 12 đồng đối với người về ở nông thôn.

- 15 đồng đối với người về ở thành phố.

Danh từ thành phố đây là chỉ các thành phố Hà nội và Hải phòng (kể cả ngoại thành), còn các thị xã, thị trấn, thì coi là nông thôn.

Những người hưởng trợ cấp theo mức tối thiểu trên đây, nếu thay đổi nơi cư trú (đương ở nông thôn ra thành phố, hoặc đương ở thành phố về nông thôn) sẽ hưởng trợ cấp theo mức quy định cho nơi đó, kể từ tháng chuyển trú quán.

Thí dụ:

1. Một công nhân cơ khí bậc 5 thang lương 8 bậc, làm việc từ 2/9/1945 đến 2/9/1960 (thâm niên 15 năm), vì mất sức lao động, được thôi việc, sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng:

- 3 năm đầu, khởi điểm là :

30%

- 12 năm sau mỗi năm thêm 1%:

12%

Cộng:

42%

- 42 % lương cấp bậc 5/8 là:

[...]