Thông tư 2906-CTXH/CT năm 1958 về việc trợ cấp cứu tế cho anh em phục viên có bệnh kinh niên bị tái phát do Bộ Cứu tế xã hội ban hành

Số hiệu 2906-CTXH/CT
Ngày ban hành 30/10/1958
Ngày có hiệu lực 14/11/1958
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Cứu tế Xã hội
Người ký Nguyễn Xiển
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

BỘ CỨU TẾ XÃ HỘI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2906-CTXH/CT

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 1958 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TRỢ CẤP CỨU TẾ CHO ANH EM PHỤC VIÊN CÓ BỆNH KINH NIÊN BỊ TÁI PHÁT

BỘ TRƯỞNG BỘ CỨU TẾ XÃ HỘI

Kính gửi: 

- Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành
- Sở Cứu tế Xã hội Hà nội, Hải phòng

 

Thi hành chính sách phục viên của Đảng và Chính phủ từ ngày hòa bình lập lại đến nay đã có hàng vạn quân nhân phục viên về địa phương sản xuất. Do bệnh kinh niên chưa chữa tận gốc và một phần vì hoàn cảnh sinh hoạt, thuốc men, sản xuất v.v… nên rải rác ở mỗi tỉnh đều có một số ít anh em bị kinh niên tái phát lại nặng hơn. Nhiều gia đình neo túng không chạy chữa được nên đã ảnh hưởng không ít đến tư tưởng và sức khỏe anh em và nhiều mặt chính trị xã hội.

Để giúp anh em có điều kiện chữa bệnh và giảm bớt khó khăn cho gia đình anh em đang neo túng. Việc trợ cấp cứu tế đối với anh em bệnh kinh niên tái phát rất cần thiết. Giải quyết được tốt sẽ ảnh hưởng tốt đến công tác xây dựng lực lượng hậu bị mà cũng là một công tác xã hội trong việc thanh toán dần vết tích của chiến tranh còn sót lại.

Theo đề nghị của Hội đồng phục viên trung ương số 324-PVTU ngày 16-10-1958 nhằm giải quyết cho anh em bệnh kinh niên tái phát. Bộ nêu lên một số ý kiến sau đây quý Ủy ban khu, tỉnh, hai Sở Cứu tế Xã hội Hà nội, Hải phòng nghiên cứu dựa tình hình cụ thể mà giải quyết.

1. Đối với anh chị em phục viên bị bệnh kinh niên tái phát mà gia đình neo túng thì dựa trên đề nghị của Ủy ban Hành chính huyện, xã về hoàn cảnh gia đình neo túng và sự xác nhận của y sĩ điều trị của bệnh viện về bệnh kinh niên tái phát mà Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, Sở Cứu tế Xã hội sẽ đài thọ viện phí hoàn toàn cho anh chị em (không định theo cấp bậc cũ và không phân biệt phục viên về trước với anh em về sau).

2. Viện phí còn có khoản ăn bồi dưỡng thuốc men (chế độ chung Bộ Y tế đã ấn định) ngoài ra có thể cấp tiền lộ phí nếu xét cần thiết.

3. Sau khi ra bệnh viện xét cần tiếp tục bồi dưỡng thì tùy theo sức khỏe, ý kiến của y sĩ điều trị và hoàn cảnh gia đình mà Ủy ban khu, tỉnh, Sở Cứu tế Xã hội xét có thể cấp một khoản cứu tế (ngoài viện phí) đủ tiền ăn từ 10 đến 30 ngày theo chế độ ăn của bệnh viện.

4. Những anh chị em được bệnh viện xét bệnh đã tái phát cần điều trị nhưng vì hoàn cảnh của bệnh viện không thu nhận được thì Ủy ban cùng Hội đồng phục viên tỉnh thương lượng sắp chỗ ở cho anh chị em trong nhà đồng bào để được điều trị ngoại trú, anh chị em này vẫn được trợ cấp như những anh em kể trên.

5. Những anh em ở địa phương nào thì được Ủy ban Hành chính đó xét trợ cấp; ở thành phố Hà nội, Hải phòng thì Sở Cứu tế Xã hội Hà nội, Hải phòng, các bệnh viện các khu thì do Ủy ban Hành chính khu xét và trợ cấp. Trong trường hợp đặc biệt bệnh nhân còn được điều trị ở các bệnh viện Hà nội hoặc ở bệnh viên khác không phải ở trong phạm vi địa phương mình thì do Ủy ban Hành chính tỉnh phối hợp với Ty Y tế quyết định việc trợ cấp cho những bệnh nhân ấy.

6. Kinh phí này các khu, tỉnh, Sở chi vào kinh phí cứu tế xã hội ở mỗi địa phương nơi nào thiếu sẽ dự trù xin về Bộ.

7. Đối với những gia đình của anh chị em phục viên neo túng các địa phương cần chú ý giúp đỡ nhưng chỉ đặt trong hoàn cảnh chung của nhân dân. Những gia đình thực sự khó khăn hoặc vì nuôi nấng anh chị em mà gặp khó khăn, thì Ủy ban Hành chính huyện, xã vận động nhân dân tương trợ nếu chưa giải quyết được thì lúc ấy xã huyện sẽ xin cứu tế.

Trên đây là một số biện pháp để giải quyết khó khăn cho anh chị em phục viên bệnh kinh niên tái phát mà gia đình neo túng. Ngoài ra những trường hợp khác nếu có, Ủy ban cần nghiên cứu và đề nghị về Bộ.

Yêu cầu Ủy ban Hành chính các cấp nghiên cứu và thi hành gặp khó khăn gì trong khi thi hành sẽ báo cáo về Bộ được biết.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CỨU TẾ XÃ HỘI


 

Nguyễn Xiển