Thông tư 08/2005/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 48/2001/NĐ-CP và Nghị định 69/2005/NĐ-CP về việc tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 08/2005/TT-NHNN
Ngày ban hành 30/12/2005
Ngày có hiệu lực 30/01/2006
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Trần Minh Tuấn
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2005/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2005

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 48/2001/NĐ-CP NGÀY 13/8/2001 VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 69/2005/NĐ-CP NGÀY 26/5/2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 48/2001/NĐ-CP NGÀY 13/8/2001 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

Ngày 13 tháng 8 năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2001/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 48/2001/NĐ-CP) và ngày 26 tháng 5 năm 2005 Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2001/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 69/2005/NĐ-CP); Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện các Nghị định nói trên, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số điểm cụ thể sau đây:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

1.1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điểm chưa được quy định cụ thể trong Nghị định số 48/2001/NĐ-CP và Nghị định số 69/2005/NĐ-CP.

1.2. Những nội dung sau đây thực hiện theo hướng dẫn riêng của Ngân hàng Nhà nước: Cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân, việc mở, chấm dứt hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện phòng giao dịch, điểm giao dịch của Quỹ tín dụng nhân dân và việc thanh lý Quỹ tín dụng nhân dân dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước; Quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở; chế độ hạch toán kế toán; chế độ tài chính; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động; Quy định về tổ chức và hoạt động của hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Bộ máy điều hành; Quy định tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và người điều hành Quỹ tín dụng nhân dân; Quy định về trình tự, thủ tục xin chấp thuận những thay đổi của Quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại điều 31 Luật Các tổ chức tín dụng; kiểm soát đặc biệt đối với Quỹ tín dụng nhân dân; kiểm toán, lập và sử dụng Quỹ an toàn hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; chấm điểm và xếp loại Quỹ tín dụng nhân dân; công tác đảm bảo an toàn tài sản kho quỹ; chế độ thông tin, báo cáo.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (sau đây gọi chung là Quỹ tín dụng nhân dân).

3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

3.1. Cư trú hợp pháp: là những cá nhân có hộ khẩu thường trú hoạch tạm trú dài hạn theo quy định của pháp luật trên địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

3.2. Sản xuất, kinh doanh hợp pháp: là những cá nhân thực hiện hoạt động sản xuất - kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận có sản xuất, kinh doanh trên địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

3.3. Vốn góp xác lập tư cách thành viên: Là số vốn góp tối thiểu để xác lập tư cách thành viên khi tham gia Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

3.4. Vốn góp thường xuyên: Là số vốn góp (ngoài số vốn góp đã xác lập tư cách thành viên) để Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở có vốn thực hiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

4. Tên và biểu tượng

4.1. Tên của Quỹ tín dụng nhân dân do Hội nghị thành lập (đối với Quỹ tín dụng nhân dân thành lập mới) hoặc Đại hội thành viên (đối với Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động) quyết định, nhưng phải có cụm từ “Quỹ tín dụng nhân dân”.

4.2. Quỹ tín dụng nhân dân thống nhất sử dụng một biểu tượng chung thể hiện sức mạnh của hệ thống: Biểu tượng có 3 chữ QTD (Quỹ tín dụng) lồng lên nhau và hình tượng bông lúa.

5. Thời hạn và hoạt động

Thời hạn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (sau đây viết tắt là Quỹ tín dụng cơ sở) tối đa là 50 năm và của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (sau đây viết tắt là Quỹ tín dụng Trung ương) tối đa là 99 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động. Sau khi hết thời hạn hoạt động, Quỹ tín dụng nhân dân có thể được Ngân hàng nhà nước xem xét cho gia hạn; Mỗi lần gia hạn không quá thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép.

II. ĐỐI VỚI QUỸ TÍN DỤNG CƠ SỞ

1. Địa bàn hoạt động

1.1. Các Quỹ tín dụng cơ sở chủ yếu hoạt động trong địa bàn một xã, một phường, một thị trấn (sau đây gọi chung là xã).

1.2. Đối với Quỹ tín dụng cơ sở tổ chức theo liên xã phải là các xã liền kề với xã nơi Quỹ tín dụng cơ sở đặt trụ sở chính (không giới hạn trong cùng quận, huyện, thị xã hoặc thành phố trực thuộc tỉnh) thuộc phạm vi trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phải được Ủy ban nhân dân (quận, huyện, thị xã hoặc thành phố trực thuộc tỉnh) và Ủy ban nhân dân xã sở tại, các xã có liên quan chấp thuận; Giám đốc Nghân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương để quyết định địa bàn hoạt động cho phù hợp với trình độ quản lý của Quỹ tín dụng cơ sở và khả năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

1.3. Đối với Quỹ tín dụng cơ sở hoạt động theo ngành nghề (Hội nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại,…) hoặc theo từng doanh nghiệp (Nông trường, Lâm trường, Công ty cao su, Liên hiệp cà phê…) thì địa bàn hoạt động được quy định phù hợp với địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp thành viên của tổ chức ngành nghề đó hoặc của các tổ chức trực thuộc các doanh nghiệp đó trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1.4. Đối với Quỹ tín dụng cơ sở đã được thành lập trước khi Thông tư này có hiệu lực và có địa bàn hoạt động ngoài phạm vi nêu tại điểm 1.2 nói trên thì vẫn được hoạt động theo địa bàn đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, trên cơ sở bảo đảm hoạt động an toàn và có hiệu quả.

2. Điều kiện để trở thành thành viên Quỹ tín dụng cơ sở

2.1. Đối với cá nhân:

[...]