Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Thông tư 08/2001/TT-BTP hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ thi đua khen thưởng trong ngành tư pháp do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 08/2001/TT-BTP
Ngày ban hành 18/12/2001
Ngày có hiệu lực 01/01/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2001/TT-BTP

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 08/2001/TT-BTP NGÀY 18 THÁNG 12 NĂM 2001 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ THI ĐUA KHEN THƯỞNG TRONG NGÀNH TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ "quy định các hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; cụ thể hoá tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương Lao động";
Thực hiện Thông tư số 25/2001/TT-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2001 của Bộ Tài chính "hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ khen thưởng thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc";
Bộ Tư pháp hướng dẫn về mức tiền thưởng, nguồn kinh phí khen thưởng và sử dụng nguồn kinh phí thi đua khen thưởng; lập dự toán, cấp phát và thanh quyết toán kinh phí thi đua khen thưởng trong ngành Tư pháp hàng năm như sau:

1 - Thông tư này hướng dẫn các khoản chi cho công tác thi đua khen thưởng và mức tiền thưởng đối với cá nhân và tập thể được khen thưởng thành tích trong một năm, khen thưởng đột xuất hoặc được khen thưởng thành tích trong cả quá trình nhiều năm liên tục.

2 - Các tập thể trong ngành Tư pháp bao gồm: các đơn vị cơ sở và các tập thể nhỏ trong đơn vị cơ sở được quy định tại điểm 2, mục A, phần I Thông tư số 06/2001/TT-BTP ngày 08 tháng 11 năm 2001 của Bộ Tư pháp "Hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng trong ngành Tư pháp".

3 - Nguồn kinh phí thi đua khen thưởng hàng năm của toàn ngành được trích từ ngân sách của Bộ Tư pháp được Chính phủ giao. Mức trích tối đa bằng 15% tổng quỹ tiền lương toàn ngành (Mục 100) và được Bộ Tư pháp phân bổ cụ thể cho các đơn vị cơ sở trong ngành.

4 - Mức tiền thưởng được sử dụng theo nguyên tắc: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nào ra quyết định khen thưởng thì chịu trách nhiệm chi theo mức tiền thưởng từ nguồn kinh phí thi đua khen thưởng do cấp mình quản lý được quy định trong Thông tư này.

5 - Các đơn vị dự toán có trách nhiệm lập dự toán, cấp phát và thanh quyết toán kinh phí thi đua khen thưởng hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trong một đợt xét thi đua khen thưởng, nếu cá nhân, tập thể được khen thưởng nhiều hình thức khác nhau, thì chỉ được nhận một khoản tiền thưởng của hình thức khen thưởng cao nhất.

1 - Mức tiền thưởng đối với cá nhân:

1.1 - Lao động giỏi: 100.000đ

1.2 - Chiến sỹ thi đua cơ sở: 200.000đ

1.3 - Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp: 400.000đ

1.4 - Chiến sỹ thi đua toàn quốc: 600.000đ

1.5 - Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Giám đốc Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp, Cục trưởng Cục Trợ giúp Pháp lý, Cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Tổng Biên tập Báo Pháp luật, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (gọi tắt là Thủ trưởng các đơn vị cơ sở): 100.000đ

1.6 - Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp: 200.000đ

1.7 - Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 400.000đ

1.8 - Huân chương Lao động hạng Ba: 800.000đ

1.9 - Huân chương Lao động hạng Nhì: 1.600.000đ

1.10 - Huân chương Lao động hạng Nhất: 2.000.000đ

1.11 - Huân chương Độc lập hạng Ba: 2.600.000đ

1.12 - Huân chương Độc lập hạng Nhì: 2.800.000đ

1.13 - Huân chương Độc lập hạng Nhất: 3.000.000đ

1.14 - Anh hùng Lao động: 3.000.000đ

1.15 - Huân chương Hồ Chí Minh: 6.000.000đ

1.16 - Huân chương Sao vàng: 9.000.000đ

2 - Mức tiền thưởng đối với tập thể:

2.1 - Tập thể lao động giỏi: 200.000đ

[...]