Thông tư 07/2000/TT-BYT về việc xuất, nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người năm 2000 do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 07/2000/TT-BYT
Ngày ban hành 20/04/2000
Ngày có hiệu lực 20/04/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Lê Văn Truyền
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2000/TT-BYT

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ Y TẾ SỐ 07/2000/TT-BYT NGÀY 20 THÁNG 4 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN VIỆC XUẤT, NHẬP KHẨU THUỐC VÀ MỸ PHẨM ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP ĐẾN SỨC KHOẺ CON NGƯỜI NĂM 2000

Thực hiện Quyết định số 242/1999/QĐ-TTg ngày 30/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2000; Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại số 0088/2000/QĐ-BTM ngày 18/01/2000 ban hành danh mục chi tiết hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hoá dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện; Công văn số 585/VPCP-KTTH ngày 21/02/2000 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 242/1999/QĐ-TTg. Sau khi có sự tham gia góp ý của Bộ Thương mại tại Công văn số 1238/TM-XNK ngày 24/3/2000, Bộ Y tế hướng dẫn việc xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người như sau:

I. NHỮNG CƠ SỞ ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH XUẤT NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU VÀ THÀNH PHẨM THUỐC PHÒNG VÀ CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI, MỸ PHẨM ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP ĐẾN SỨC KHOẺ CON NGƯỜI:

1. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc được thành lập theo quy định của pháp luật đủ tiêu chuẩn điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu thuốc đã được cơ quan Hải quan cấp mà số doanh nghiệp xuất nhập khẩu được xuất nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu, thành phẩm thuốc phòng và chữa bệnh cho người.

2. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mặt hàng thuốc phòng và chữa bệnh cho người đã được cơ quan Hải quan cấp giấy chứng nhận đăng ký mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu được phép xuất khẩu nguyên liệu, thành phẩm thuốc phòng và chữa bệnh cho người.

3. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm (hoặc ngành hàng tiêu dùng) đã được cơ quan hải quan cấp giấy chứng nhận đăng ký mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu được phép xuất, nhập khẩu mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người.

4. Các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được nhập khẩu nguyên, phụ liệu cho sản xuất thuốc thành phẩm phù hợp với giấy phép đầu tư.

II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG VIỆC XUẤT, NHẬP KHẨU THUỐC VÀ MỸ PHẨM ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP TỚI SỨC KHOẺ CON NGƯỜI:

1. Xuất, nhập khẩu uỷ thác:

Việc xuất nhập khẩu uỷ thác phải thực hiện theo quy định của Bộ Thương mại tại Thông tư số 18/1998/TT-BTM ngày 28/8/1998 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ và quy định tại Thông tư này. Thuốc nhập khẩu uỷ thác phải đưa về kho của công ty xuất nhập khẩu, kiểm soát, kiểm tra chất lượng trước khi giao hàng cho bên uỷ thác.

2. Hạn dùng của thuốc thành phẩm và nguyên liệu sản xuất thuốc:

- Các thuốc thành phầm nhập khẩu vào Việt Nam phải là thuốc mới sản xuất, hạn dùng còn lại khi đến cảng Việt Nam tối thiểu phải là 18 tháng. Đối với thuốc có hạn dùng bằng hoặc dưới 02 năm thì hạn dùng còn lại khi đến cảng Việt Nam tối thiểu phải là 12 tháng. Trường hợp đặc biệt Cục Quản lý Dược Việt Nam xem xét giải quyết cụ thể.

- Nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc phải còn hạn dùng trên 3 năm kể từ ngày đến cảng Việt Nam, đối với nguyên liệu có hạn dùng 3 năm hoặc dưới 3 năm thì ngày về đến cảng Việt Nam không được quá 6 tháng kể từ ngày sản xuất (Quy định này không áp dụng với dược liệu).

3. Phiếu kiểm nghiệm gốc:

Khi làm thủ tục thông quan, doanh nghiệp phải xuất trình Hải quan cửa khẩu phiếu kiểm nghiệm gốc của nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn của nguyên liệu sản xuất thuốc, thuốc thành phẩm hoặc mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người kèm theo từng lô hàng nhập. Hải quan cửa khẩu chỉ giữ bản copy phiếu kiểm nghiệm có đóng dấu sao y bản chính của doanh nghiệp do Giám đốc doanh nghiệp ký xác nhận (nếu có yêu cầu).

Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, không xuất trình được phiếu kiểm nghiệm gốc của nhà sản xuất, Hải quan cửa khẩu tạm cho nhập về kho của công ty để bảo quản. Hải quan giám sát việc lấy mẫu theo quy định gửi đến cơ quan kiểm tra chất lượng nhà nước của ngành Y tế để kiểm tra chất lượng (quy định tại Quyết định số 2585/BYT-QĐ ngày 28/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế), doanh nghiệp chỉ được giải toả để kinh doanh sau khi có phiếu kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

4. Lập đơn hàng:

Đơn hàng xuất, nhập khẩu nguyên liệu, thành phẩm thuốc phòng và chữa bệnh cho người và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người được lập thành 04 bản, trong đó: 01 bản gửi Hải quan; 01 bản gửi doanh nghiệp và 02 bản lưu. Bản gửi Hải quan sẽ được gửi trực tiếp đến Tổng cục Hải quan, trên đơn hàng có đóng dấu "bản gửi Hải quan". Bản gửi doanh nghiệp có đóng dấu "bản gửi doanh nghiệp", doanh nghiệp sử dụng "bản gửi doanh nghiệp" để trình Hải quan cửa khẩu khi nhận hàng.

5. Nhãn thuốc và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người xuất nhập khẩu thực hiện theo Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ và quy định của Bộ Y tế về nhãn thuốc và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người tại Quyết định số 416/2000/QĐ-BYT ngày 18/2/2000.

Nhãn của nguyên liệu, thuốc và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người đã có số đăng ký phải được in hoặc dán tên doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu.

6. Dán nhãn phụ đối với nguyên liệu, thuốc và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người chưa có số đăng ký nhập khẩu lưu hành tại Việt Nam:

- Nguyên liệu, thuốc và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người phải nhập về kho của doanh nghiệp, thực hiện dán nhãn phụ trước khi đưa ra lưu hành.

- Nhãn phụ của thuốc, mỹ phẩm nhập khẩu được dán trên bao bì thương phẩm của thuốc hoặc mỹ phẩm.

- Nhãn phụ của thuốc chưa có số đăng ký lưu hành và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người chưa được cấp số đăng ký chất lượng: in chữ màu đỏ trên giấy màu trắng (riêng số giấy phép nhập khẩu: ngày... tháng... năm... được in cùng màu, hoặc khác màu) (Hình 1)

Tên doanh nghiệp nhập khẩu
Giấy phép nhập khẩu số: /QLD ngày / /2000

Ví dụ

Công ty Dược phẩm Trung ương I

Giấy phép nhập khẩu số 450/QLD ngày 30/4/2000

[...]