Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 06/2005/TT-BXD hướng dẫn phương pháp xây dựng giá ca máy và thiết bị thi công do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 06/2005/TT-BXD
Ngày ban hành 15/04/2005
Ngày có hiệu lực 27/05/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Đinh Tiến Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do-Hạnh phúc

Số: 06/2005/TT-BXD 

Hà Nội;ngày 15 tháng 04 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 06/2005/TT-BXD NGÀY 15 THÁNG 4 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG GIÁ CA MÁY VÀ THIẾT BỊ THI CÔNG

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội khoá XI, kỳ họp thứ 4;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/2/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xây dựng giá ca máy và thiết bị thi công như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Máy và thiết bị thi công quy định tại Thông tư này là các loại máy và thiết bị được truyền chuyển động bằng động cơ, chạy bằng xăng, dầu, điện, khí nén được sử dụng cho công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị ở các công trường xây dựng. Một số loại thiết bị không có động cơ như rơ mooc, sà lan,... nhưng tham gia vào các công tác nói trên thì cũng được coi là máy và thiết bị thi công.

2. Giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư này (sau đây gọi là giá ca máy) dùng để xác định chi phí máy thi công trong đơn giá xây dựng công trình, đơn giá xây dựng địa phương để làm cơ sở xác định dự toán, tổng dự toán xây dựng công trình và vận dụng để lập giá dự thầu, đánh giá giá dự thầu và ký kết hợp đồng giao nhận thầu xây dựng.

3. Bảng Thông số phục vụ xây dựng giá ca máy và thiết bị thi công trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này quy định các mức chuẩn để tính giá ca máy theo thông số kỹ thuật chủ yếu của máy như: công suất động cơ, dung tích gầu, sức nâng của cần trục, ...

II- PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG GIÁ CA MÁY

1. Nội dung chi phí trong giá ca máy

Giá ca máy là mức chi phí dự tính cần thiết cho máy và thiết bị thi công làm việc trong một ca.

Các khoản mục chi phí được tính vào giá ca máy bao gồm: chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương thợ điều khiển máy và chi phí khác của máy.

2. Phương pháp xây dựng giá ca máy

Công thức tổng quát xây dựng giá ca máy (­­­CCM):

 CCM = ­­­CKH + ­­­CSC ­­­+ CNL + ­­­CTL + ­­­CCPK (đ/ca)

Trong đó:

- CKH : Chi phí khấu hao (đ/ca)

- CSC : Chi phí sửa chữa (đ/ca)

- CNL : Chi phí nhiên liệu - năng lượng (đ/ca)

- CTL : Chi phí tiền lương thợ điều khiển máy (đ/ca)

- CCPK : Chi phí khác (đ/ca)

2.1. Chi phí khấu hao (CKH) 

Chi phí khấu hao tính trong giá ca máy là khoản chi về hao mòn của máy và thiết bị thi công trong thời gian sử dụng, được xác định theo công thức:

CKH

=

(Giá tính khấu hao - Giá trị thu hồi) x Định mức khấu hao năm

Số ca năm

 Trong đó:

- Giá tính khấu hao (giá trước thuế): Gồm giá mua máy, thiết bị (không kể chi phí cho vật tư, phụ tùng thay thế mua kèm theo), chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, chi phí lưu kho, vận chuyển từ cảng về nơi đặt máy, chi phí lắp đặt, chạy thử lần đầu, các khoản chi phí hợp lệ khác có liên quan trực tiếp đến việc đầu tư máy.

Giá tính khấu hao để tính giá ca máy trong các hồ sơ dự thầu và giao nhận thầu là giá tính khấu hao của loại máy, thiết bị đưa vào thi công xây dựng công trình phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu.

Giá tính khấu hao trong Phụ lục tại Thông tư này là giá tại thời điểm quý II năm 2005 và dùng để tham khảo khi lập đơn giá xây dựng công trình, đơn giá địa phương.

- Giá trị thu hồi là giá trị phần còn lại của máy và thiết bị sau khi thanh lý và được xác định như sau:

[...]