Thông tư 06/2005/TT-BTP hướng dẫn tuyển chọn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức danh Chấp hành viên do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 06/2005/TT-BTP
Ngày ban hành 24/06/2005
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Lê Thị Thu Ba
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2005/TT-BTP

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2005

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TUYỂN CHỌN BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM, CÁCH CHỨC CHỨC DANH CHẤP HÀNH VIÊN

Căn cứ Nghị định số 62/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự;

Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Quốc phòng (Công văn số 2673/BQP ngày 01 tháng 6 năm 2005 của Bộ Quốc phòng), Bộ Nội vụ (Công văn số 1478/BNV-CCVC ngày 16 tháng 6 năm 2005 của Bộ Nội vụ), Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện việc tuyển chọn, bổ nhiệm, cách chức chức danh Chấp hành viên như sau:

I. HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Công tác chuẩn bị nhân sự, hồ sơ đối với người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên, việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị miễn nhiệm, cách chức chức danh Chấp hành viên phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo và các quy định của Đảng về công tác cán bộ.

2. Việc tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức danh Chấp hành viên được thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh thi hành án dân sự, Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự (sau đây gọi là Nghị định số 50/2005/NĐ-CP) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Người được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên phải không thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I của Quy định số 75/QĐ-TW ngày 25 tháng 4 năm 2000 của Bộ Chính trị và chưa bị kết án (kể cả trường hợp đã được xóa án tích).

4. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật, nhưng chưa có kết luận và quyết định cuối cùng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì coi là chưa có đủ điều kiện để được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên.

II. THAY ĐỔI THÀNH VIÊN CỦA HỘI ĐỒNG TUYỂN CHỌN CHẤP HÀNH VIÊN

1. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 của Nghị định số 50/2005/NĐ-CP thì Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên Cơ quan thi hành án dân sự địa phương, do đó khi có sự thay đổi hoặc phân công lại giữa Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định người giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên Cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

2. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị định số 50/2005/NĐ-CP thì một đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên thi hành án cấp quân khu, do đó khi có sự thay đổi hoặc phân công lại giữa các Thứ trưởng về việc thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên, thì Bộ Quốc phòng phải có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định người giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên thi hành án cấp quân khu.

3. Đối với các chức danh còn lại của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên, khi có sự thay đổi thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên Cơ quan thi hành án dân sự địa phương), Bộ Quốc phòng (đối với Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên thi hành án cấp quân khu) lập hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên. Hồ sơ gửi về Bộ Tư pháp gồm có văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên Cơ quan thi hành án dân sự địa phương), văn bản đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đối với Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên thi hành án cấp quân khu) kèm theo văn bản của cơ quan, tổ chức có đại diện được cử tham gia làm thành viên Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên và lý lịch trích ngang của người được đề cử giữ chức danh đó.

III. QUY TRÌNH TUYỂN CHỌN VÀ BỔ NHIỆM CHẤP HÀNH VIÊN

1. Việc chuẩn bị nhân sự đề nghị Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét được thực hiện theo các bước sau đây:

1.1. Bước 1: Cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Thi hành án cấp quân khu có trách nhiệm báo cáo Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh (đối với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương), Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng (đối với thi hành án cấp quân khu) về nhu cầu và dự kiến người để bổ nhiệm Chấp hành viên của đơn vị mình, cụ thể như sau:

a) Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh dự kiến nhân sự các trường hợp sau đây:

a.1) Công chức thuộc Cơ quan thi hành án dân sự địa phương được dự kiến bổ nhiệm làm Chấp hành viên Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

a.2) Công chức thuộc thi hành án dân sự cấp tỉnh được dự kiến bổ nhiệm làm Chấp hành viên cấp huyện hoặc công chức của thi hành án dân sự huyện này nhưng được dự kiến bổ nhiệm làm Chấp hành viên Thi hành án dân sự của huyện khác;

b) Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện báo cáo Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh về nhu cầu và dự kiến người để tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên của đơn vị mình.

c) Trưởng Thi hành án dân sự cấp quân khu báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng về nhu cầu và dự kiến người để tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên của đơn vị mình.

1.2. Bước 2: Trên cơ sở nhu cầu và đề nghị của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh xem xét, lập danh sách trích ngang những người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên Cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Trên cơ sở nhu cầu và đề nghị của các cơ quan thi hành án cấp quân khu, Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng xem xét, lập danh sách trích ngang những người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên thi hành án cấp quân khu và làm việc với Quân khu để thống nhất danh sách và chuẩn bị hồ sơ, thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên.

1.3. Bước 3: Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, lấy ý kiến về người được giới thiệu tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên.

a) Về đối tượng tham gia lấy phiếu tín nhiệm và lấy ý kiến:

a.1) Đối với người đang công tác trong các cơ quan thi hành án dân sự địa phương hoặc thi hành án cấp quân khu được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên thì đối tượng tham gia lấy phiếu tín nhiệm bao gồm toàn thể cán bộ, công chức của Cơ quan thi hành án nơi người được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên đang công tác;

a.2) Đối với người đang công tác tại các cơ quan không phải là Cơ quan thi hành án được đề nghị tuyển chọn và bổ nhiệm làm Chấp hành viên thì đối tượng lấy ý kiến bao gồm tập thể lãnh đạo, đại diện các tổ chức đoàn thể của cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi người đó công tác;

[...]