THÔNG TƯ
CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 06/2000/TT-BXD NGÀY 4 THÁNG 7 NĂM 2000 HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 178/1999/QĐ-TTG NGÀY 30/8/1999 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ BAN HÀNH QUY CHẾ GHI NHÃN HÀNG HOÁ LƯU THÔNG TRONG NƯỚC VÀ HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU,
NHẬP KHẨU ĐỐI VỚI MẶT HÀNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG
Căn cứ Quyết định số
178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ghi
nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu, dưới đây gọi
là Quy chế.
Căn cứ Thông tư số 34/1999/TT-BTM ngày 15 tháng 12 năm 1999 của Bộ Thương mại
hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Quy chế ghi nhãn hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá
xuất khẩu, nhập khẩu.
Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điểm cụ thể để thi hành thống nhất ghi nhãn đối
với các loại hàng hoá Vật liệu xây dựng và Cơ khí xây dựng, dưới đây gọi chung
là vật liệu xây dựng như sau:
I. QUY ĐỊNH
CHUNG:
1. Phạm vi áp dụng: Các sản phẩm
vật liệu xây dựng được sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước và để xuất
khẩu; hàng hoá sản xuất tại nước ngoài được nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường
Việt Nam (trừ hàng hoá tạm nhập tái xuất hoặc hàng hoá gia công cho nước ngoài)
đều phải có nhãn hàng hoá và thực hiện ghi nhãn hàng hoá theo quy định hướng dẫn
của Thông tư này.
Hàng hoá Vật liệu xây dựng nói
trên bao gồm:
- Nhóm các chất kết dính: xi
măng, clinker, vôi xây dựng, các chất kết dính khác.
- Nhóm vật liệu xây: gạch xây
nung và không nung các loại.
- Nhóm vật liệu hợp: ngói nung,
ngói không nung, tấm lợp các loại (amiăng xi măng, nhựa, kim loại).
- Nhóm vật liệu chịu lửa, cách
âm, cách nhiệt: vật liệu chịu lửa các loại, vật liệu xốp, vật liệu nhẹ cách nhiệt,
keramzit và các sản phẩm khác cùng nhóm.
- Vật liệu ốp lát: gạch hoa, gạch
ceramic, gạch granit, gạch granito, gạch lá nem, gạch thẻ.
- Nhóm vật liệu vệ sinh cấp
thoát nước: sứ vệ sinh, chậu rửa, phụ tùng vệ sinh.
- Nhóm sản phẩm bê tông và hỗn hợp
bê tông: cấu kiện bê tông, ống bê tông, bê tông thương phẩm.
- Nhóm sản phẩm phụ gia hoá học
cho xây dựng: phụ gia hoá dẻo, chống thấm, dãn nở và sản phẩm khác cùng nhóm.
- Nhóm sản phẩm kính xây dựng:
kính phẳng, kính in hoa, kính gương, kính phản quang.
- Nhóm sản phẩm trang trí hoàn
thiện nội thất: sơn, vôi ve mầu, tấm trang trí trần, nền, cửa sổ, cửa đi.
- Nhóm sản phẩm đá, cát, sỏi.
- Nhóm sản phẩm cơ khí xây dựng:
máy nhào đùn sản suất gạch, máy nghiền bi, kẹp hàm, đập búa, đầm dùi, dàn giáo,
ke, khoá, bản lề, tấm lót, bi đạn, phụ tùng thay thế và các sản phẩm khác cùng
nhóm.
- Nhóm sản phẩm thép xây dựng,
thép kết cấu: cột, dầm, khung dàn thép, thép xây dựng.
2. Việc ghi nhận hàng hoá:
a) Đối với hàng hoá vật liệu xây
dựng có bao bì đóng gói việc ghi nhãn hàng hoá được thực hiện bằng cách ghi trực
tiếp vào bao bì hoặc được thể hiện bằng bản ghi sau đó gắn, cài, đính chắc chắn
vào bao bì.
b) Đối với hàng hoá vật liệu xây
dựng không có bao bì đóng gói việc ghi nhãn hàng hoá được thực hiện bằng cách
ghi trực tiếp vào sản phẩm hoặc nhãn được cài, đính kèm theo hàng hoá trưng bày
tại nơi bán hàng hoặc ghi vào phiếu riêng để chuyển cho khách hàng.
3. Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng
hoá đối với hàng hoá nhập khẩu:
a.Theo quy định tại điểm a khoản
3 Điều 5 của Quy chế, đối với hàng hoá nhập khẩu để lưu thông, tiêu thụ tại thị
trường Việt Nam khi ký kết hợp động nhập khẩu thương nhân phải yêu cầu phía
cung cấp hàng chấp nhận ghi thêm trên phần nhãn nguyên gốc bằng tiếng nước
ngoài các thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt Nam nhằm tạo điều
kiện thuận lợi cho người tiêu dụng Việt Nam dễ dàng lựa chọn và sử dụng hàng
hoá.
b. Nhãn phụ quy định tại điểm b khoản
3 Điều 5 của Quy chế được hiểu là nhãn ghi bằng tiếng Việt Nam với các nội dung
bắt buộc được dán, dính kèm theo hàng hoá cung cấp cho người mua trước hoặc sau
khi đã hoàn thành thủ tục hải quan.
+ Nhãn phụ được sử dụng trong
trường hợp thương nhân nhập khẩu không thoả thuận được với phía nước ngoài cung
cấp hàng ghi trên phần nhãn nguyên gốc các thông tin thuộc nội dung bắt buộc bằng
tiếng Việt Nam.
+ Nhãn phụ không làm che lấp phần
nhãn nguyên gốc bằng tiếng nước ngoài các hàng hoá có tính chất sử dụng phức tạp
và đòi hỏi tính an toàn, có kèm theo tài liệu thuyết minh hướng dẫn sử dụng bằng
tiếng nước ngoài đều phải có bản dịch ra tiếng Việt Nam và kèm theo bản gốc tiếng
nước ngoài cung cấp cho người mua.
+ Nhãn phụ còn phải được dán,
đính hoặc kèm theo hàng hoá tại nơi bán hàng đối với hàng hoá không có bao bì.
+ Tên của thành phần cấu tạo
hàng hoá là chất hoá học trên nhãn phụ phải ghi bằng tiếng Việt Nam hoặc bằng
tên La tinh hoặc bằng công thức hoá học.
II. GHI NỘI
DUNG NHÃN HÀNG HOÁ
A. NỘI DUNG BẮT BUỘC:
1.Tên hàng hoá
a. Tên hàng
hóa vật liệu xây dựng được chọn lựa ghi nhãn hàng hoá thực hiện theo quy định tại
khoản 1, 2, 3, 4, Điều 6 của Quy chế, phải căn cứ vào công dụng chính và tính
chất đặc trưng tự nhiên của hàng hoá để đặt tên hoặc mô tả. Việc đặt tên hàng
hoá theo khoản 4 Điều 6 của quy chế cần tránh nhầm lẫn tên hàng hoá với tên hiệu
của nhà sản suất hoặc tên chủng loại của hàng hoá. Ví dụ: Xi măng poóc lăng hỗn
hợp (là tên hàng hoá); Bỉm Sơn, Hà tiên I (là tên hiệu của nhà sản xuất).
b. Việc chọn tên hàng hoá trong
bảng phân loại hàng hoá HS Quốc tế để ghi tên nhãn hàng hoá quy định tại khoản
3 Điều 6 của Quy chế được hiểu là chỉ ghi tên hàng hoá mà không phải ghi mã số
HS phân loại hàng hoá lên nhãn hàng hoá.
2. Tên và địa chỉ thương nhân chịu
trách nhiệm về hàng hoá
a. Tên và địa chỉ thương nhân chịu
trách nhiệm về hàng hoá vật liệu xây dựng là tên và địa chỉ của thương nhân
theo đăng ký hoạt động kinh doanh. Địa chỉ gồm có: số nhà, đường phố (thôn,
xóm), phường (xã), quận (huyện, thị xã), thành phố, tỉnh.
b. Theo quy định tại khoản 2 Điều
7 của Quy chế, việc ghi tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng
hoá do mình lắp ráp được hiểu là áp dụng cho cả việc đóng gói lại hàng hoá để
bán. Tên và địa chỉ cơ sở đóng gói được ghi là: cơ sở đóng gói... hoặc đóng gói
tại...
3. Định lượng
hàng hoá
Đơn vị đo lường dùng để thể hiện
định lượng hàng hoá vật liệu xây dựng là đơn vị đo lường hợp pháp của Việt Nam,
theo hệ đơn vị đo lường quốc tế SI (System International). Đơn vị đo, ký hiệu
đơn vị đo, cách dùng đơn vị đo, kích cỡ chữ và số trình bầy định lượng hàng hoá
được thực hiện theo quy định ở Thông tư số 34/1999/TT-BTM ngày 15/12/1999 của Bộ
Thương mại.
4. Thành phần cấu tạo
a. Thành phần cấu tạo của hàng
hoá vật liệu xây dựng được ghi theo quy định tại Điều 9 của Quy chế là thành phần
khoáng hoặc thành phần hoá được tạo thành trong công nghệ sản xuất ra hàng hoá
và hình thành giá trị của sản phẩm. Đối với hàng hoá vật liệu xây dựng dưới dạng
vật liệu nguyên khai như cát, đá, sỏi, đất sét, nguyên liệu sản xuất vật liệu
xây dựng, thành phần cấu tạo là hàm lượng thành phần khoáng hoá tự nhiên của
hàng hoá đó.
b. Các hàng hoá Vật liệu xây dựng
sau đây bắt buộc phải ghi thành phần cấu tạo: sơn xây dựng, phụ gia xây dựng,
bi đạn, tấm lót, clinker, thạch cao.
5. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu
a. Chỉ tiêu chất lượng được ghi
lên nhãn hàng hoá là chỉ tiêu chất lượng chủ yếu quyết định sử dụng chính của mặt
hàng đó được chọn ra trong tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn xây dựng (TCXD),
tiêu chuẩn ngành (TCN), tiêu chuẩn xí nghiệp (TCXN) hoặc tiêu chuẩn quốc tế mà
Việt Nam công bố áp dụng. Ví dụ: xi măng PCB 30 TCVN 6260: 1997; Gạch đặc đất
sét nung: GĐ 60-100-TCVN 1451: 1998.
b. Ngoài chỉ tiêu chất lượng chủ
yếu bắt buộc ghi nhãn hàng hoá theo quy định, thương nhân có thể ghi thêm các
chỉ tiêu chất lượng khác lên nhãn hàng hoá nếu thấy cần thiết.
6. Ngày sản xuất
Tất cả các loại hàng hoá Vật liệu
xây dựng đều phải ghi ngày sản xuất. Ngày sản xuất được thể hiện trên nhãn hàng
hoá được viết tắt là NSX. Ví dụ: NXS 19.05.00 (sản xuất ngày 19 tháng 5 năm
2000).
7. Hướng dẫn sử dụng và bảo quản
Tất cả các loại hàng hoá vật liệu
xây dựng đều phải có hướng dẫn sử dụng và bảo quản (trừ các loại hàng hoá có
tính chất sử dụng đơn giản). Hướng dẫn sử dụng và bảo quản được ghi trực tiếp
vào bao bì hoặc được ghi vào bản thuyết minh kèm theo hàng hoá để cung cấp cho
người mua. Hướng dẫn sử dụng và bảo quản của hàng hoá được ghi trên nhãn hàng
hoá là hướng dẫn sử dụng và bảo quản phù hợp với TCVN, TCXD, TCN hoặc tiêu chuẩn
quốc tế mà Việt Nam công bố áp dụng.
8. Xuất xứ của hàng hoá:
Đối với hàng hoá Vật liệu xây dựng
xuất khẩu, nhập khẩu, trên nhãn hàng hoá bắt buộc phải ghi tên nước xuất xứ.
B. NỘI DUNG KHÔNG BẮT BUỘC:
1. Các nội dung không bắt buộc có
thể ghi lên nhãn hàng hoá hoặc trong bản thuyết minh kèm theo hàng hoá được Quy
định tại Điều 14 của Quy chế.
2. Thương nhân có thể ghi trên
nhãn hàng hoá hoặc trong bản thuyết minh tài liệu kèm theo hàng hoá các nội
dung (nếu có) như mã số, mã vạch do tổ chức mã số, mã vạch Quốc gia cấp; nhãn
hiệu hàng hoá đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp; các loại huy chương đã được
khen thưởng; các chứng nhận sản phẩm hàng hoá đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế;
số hiệu lô hàng được sản xuất; các dấu hiệu quốc tế được dùng cho vận chuyển bảo
quản; số điện thoại, số Fax.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Bộ Xây dựng giao Vụ Quản lý Vật
liệu xây dựng và Vụ Khoa học công nghệ hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trong
ngành thực hiện quy định ghi nhãn hàng hoá theo Thông tư này.
Sở Xây dựng phối hợp với Sở
Thương mại các Tỉnh, Thành phố có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực
hiện các quy định của Thông tư này đối với các tổ chức cá nhân sản xuất kinh
doanh vật liệu xây dựng thuộc địa phương.
2. Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các loại hàng hoá vật liệu xây dựng có cách ghi
nhãn trái với quy định của thông tư này sau thời điểm Thông tư có hiệu lực là
vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại.
3. Thời hạn giải quyết tồn đọng:
Đối với các loại hàng hoá vật liệu
xây dựng đã ghi nhãn theo mẫu cũ trước ngày thông tư này có hiệu lực thì được
tiếp tục lưu thông cho đến hết ngày 31/12/2000.