Thông tư 06/1997/TT-NHNN17 hướng dẫn thi hành Điều lệ mẫu Quỹ tín dụng nhân dân kèm theo Nghị định 42/CP-1997 do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 06/1997/TT-NHNN17
Ngày ban hành 25/10/1997
Ngày có hiệu lực 09/11/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Lê Đức Thuý
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/1997/TT-NHNN17

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 06/1997/TT-NHNN17 NGÀY 25 THÁNG 10 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ MẪU QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN DO CHÍNH PHỦ BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 42/CP NGÀY 29-4-1997

Ngày 29-4-1997 Chính phủ ban hành Nghị định số 42/CP về Điều lệ mẫu Quỹ tín dụng nhân dân. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số điểm cụ thể sau đây:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (viết tắt QTDND) được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã, Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xác tín dụng và công ty tài chính.

2. Biểu tượng:

Mô hình QTDND được tổ chức và hoạt động trên tinh thần tương trợ, liên kết chặt chẽ, vì vậy các quỹ có thể thống nhất sử dụng một biểu tượng chung, thể hiện sức mạnh của hệ thống QTDND.

3. Địa bàn hoạt động:

QTDND được thành lập và hoạt động chủ yếu trên địa bàn phường, xã. Ngoài ra còn có các trường hợp sau:

- QTDND được tổ chức theo liên xã, liên phường là các xã, phường liền kề với xã, phường nơi đặt trụ sở chính trong cùng một huyện, quận, thị xã và phải được UBND những xã, phường đó có văn bản nhất trí.

- QTDND tổ chức theo ngành nghề phải do các tổ chức kinh tế hoặc nghiệp đoàn ngành nghề được pháp luật công nhận, đứng ra tổ chức trong từng loại ngành nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố.

- QTDND doanh nghiệp chỉ được tổ chức trong từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.

4. Điều kiện thành lập:

QTDND được thành lập ở những nơi có đủ những điều kiện sau:

a. Có khả năng huy động vốn để đáp ứng các nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

b. Có yêu cầu của quần chúng và được chính quyền địa phương hoặc tập thể lãnh đạo của doanh nghiệp, nghiệp đoàn ngành nghề nhất trí.

c. Có nguồn cán bộ đủ trình độ và khả năng thực hiện các nghiệp vụ về hoạt động Ngân hàng.

d. Có phương tiện thông tin, liên lạc thuận lợi.

e. Có trụ sở giao dịch phù hợp với hoạt động Ngân hàng.

II. ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG VÀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH

1. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động:

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền cho Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố cấp và thu hồi giấy phép hoạt động của các QTDND trên địa bàn quản lý của Chi nhánh. Đối với các QTD đô thị, QTD ngành nghề, QTD doanh nghiệp lớn cần có văn bản cho phép thành lập của Ngân hàng Nhà nước Trung ương trước khi cấp giấy phép hoạt động.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động, Ngân hàng Nhà nước phải cấp hoặc từ chối cấp giấy phép.

Trường hợp từ chối cấp giấy phép hoạt động, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản giải thích rõ lý do. QTDND có quyền khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền, khi thấy lý do từ chối cấp giấy phép hoạt động không thoả đáng.

2. Điều kiện để QTDND được cấp giấy phép hoạt động:

a. Được thành lập ở địa bàn có đủ các điều kiện theo quy định.

b. Đăng ký vốn góp tối thiểu phải bằng mức vốn pháp định.

[...]